Mở cửa thấy mộ nằm san sát ở "thành phố đáng sống"
(Dân trí) - Mở cửa ra thấy mồ mả là cuộc sống quen thuộc của những người dân phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nơi đây có hàng nghìn ngôi mộ nằm xen kẽ sát nhà, trước cổng...
Nằm ở các con hẻm trên đường Mẹ Suốt, Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), nhiều người dân sống trong khu vực tổ dân phố 33, 14, 21, 37... đã quen với cảnh sống chung với nghĩa địa giữa khu dân cư.
Nhiều người dân cho hay, nơi đây trước là những bãi tha ma rộng lớn, nhưng nhiều ngôi nhà dần dần mọc lên. Lúc đầu là những căn nhà nằm xa, nhưng quỹ đất ngày càng ít đi, nhà nào xây sau thì tiến dần sát nghĩa địa.
Nhiều gia đình có mộ nằm trong sân, bước ra khỏi cổng là những hàng dài mồ mả chạy sát móng nhà.
Gần 20 năm trước, dự án Ga đường sắt Đà Nẵng, khu đô thị bắc nhà ga được công bố quy hoạch, chính quyền, người dân ở khu vực này hy vọng bộ mặt đô thị được thay đổi, chỉnh trang.
Tuy nhiên, dự án không được thực hiện khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý trật tự đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản và an sinh xã hội cũng bị ảnh hưởng. Hàng nghìn ngôi mộ nằm trong khu dân cư cũng chưa được di dời.
Có nhà nằm sát cổng nghĩa trang của một dòng tộc, ông Huỳnh Hùng (51 tuổi, trú tổ 33, phường Hòa Khánh Nam) cho hay những ngôi mộ này tồn tại từ lâu, người dân ở đây đã quen với cảnh ăn ở, làm bạn với người đã khuất trong khuôn viên hay ngay trước cổng nhà.
Nhà ông Hùng có xây một dãy trọ nằm đối diện với nghĩa trang, mở cửa ra là thấy những ngôi mộ. Khu nhà chủ yếu cho sinh viên, công nhân ở. Người lạ mới đến lần đầu đều không khỏi lạnh gáy.
Anh Võ Quanh Vinh (51 tuổi, trú tổ 33) về đây sinh sống vào khoảng năm 2014. Nhà anh xây trên đất giấy tờ "ba lá" (giấy tờ đăng ký sở hữu đất chỉ được cấp bởi UBND cấp phường, xã, không được cấp sổ đỏ hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền) vì nằm trong quy hoạch ga đường sắt trước đây.
"Tôi chọn sống ngay chỗ những ngôi mộ vì giá đất ở đây thời điểm đó khá thấp và phù hợp với những người lao động như tôi", anh Vinh nói và cho biết, tổ đã nhiều lần kiến nghị đến phường về việc di dời các khu mộ.
Con đường di chuyển qua các khu mộ nằm san sát nhau. Chuyển về khu vực này sống vào năm 2000, anh Võ Mậu Điểm (52 tuổi) cho hay, đất lúc đó được anh mua với giá 5 cây vàng (giá vàng năm 2000 khoảng 4,5 triệu đồng, tương đương khoảng 22,5 triệu đồng).
"Thời gian đầu gặp một chút khó khăn vì sợ nhưng hằng ngày phải di chuyển qua các khu mộ nên đã thành quen, vì thế cuộc sống của người dân không ảnh hưởng gì nhiều. Ngay cả tụi nhỏ cũng đã quen với những ngôi mộ vì đẻ ra đã thấy trước nhà rồi", anh Điểm nói.
Theo ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, ngoài các khu nghĩa trang, khu văn hóa tâm linh, hiện có gần 2.000 ngôi mộ xây, mộ đất nằm trong khu dân cư, sát nhà dân.
Mới đây UBND thành phố Đà Nẵng có công văn giao UBND quận Liên Chiểu có phương án di dời mộ trong khu dân cư. Đây cũng là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của quận.
Đến nay, UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan xây dựng và hoàn thiện kế hoạch di dời mộ xen lẫn trong khu dân cư, trình UBND thành phố xem xét thẩm định và bố trí vốn để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.
Đà Nẵng là thành phố đã tạo nên thương hiệu và bản sắc riêng của mình trên nhiều lĩnh vực trong suốt những năm vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng là nơi đáng sống vì môi trường trong sạch, ít ô nhiễm, các mô hình dịch vụ đa dạng phong phú, mức sống dễ chịu, cơ sở hạ tầng ổn định. Ít có thành phố du lịch nào trên cả nước, khách tới thăm có thể thoải mái tản bộ trên hè phố mà không bị bao vây bởi đội "cò mồi".
Năm 2011, Đà Nẵng khẳng định thương hiệu của mình khi giành giải thưởng của ASEAN trao tặng dành cho "Thành phố bền vững về môi trường". Đây là danh hiệu đáng tự hào của nhân dân Đà Nẵng mà không phải nơi nào cũng có được.