Vụ hàng chục bia mộ ở Hà Nội bị đập phá: Có thể khởi tố vụ án hình sự?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, vụ việc xảy ra tại quận Nam Từ Liêm có dấu hiệu của tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Cơ quan công an có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra nếu đủ căn cứ.

Như Dân trí thông tin, thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh kèm thông tin hàng loạt bia mộ trong nghĩa trang phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), bị kẻ xấu phá hoại. Những hình ảnh cho thấy nhiều lư hương, bình hoa cùng các vật dụng thờ cúng khác tại nhiều bia mộ đã bị đập phá.

Công an quận Nam Từ Liêm đã tiếp nhận tin báo của người dân về vụ việc và đang xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật. Nhiều độc giả Dân trí thắc mắc, trường hợp này, vụ việc có dấu hiệu hình sự hay không? Nếu có, người vi phạm có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Vụ hàng chục bia mộ ở Hà Nội bị đập phá: Có thể khởi tố vụ án hình sự? - 1

Nhiều bát hương bị đập nát (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Giải đáp băn khoăn của bạn đọc, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị xử lý hình sự về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm. Trường hợp hành vi gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự xã hội; chiếm đoạt, hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; vì động cơ đê hèn hay nhằm chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt thì bị áp dụng mức phạt 2-7 năm tù.

Bình luận về tội danh trên, luật sư Trang cho biết đây là tội danh xâm phạm tới khách thể là trật tự, an toàn đối với thi thể, phần mộ, hài cốt của người chết cũng như phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hành vi phạm tội được biểu hiện ở các hành vi khách quan như xâm phạm đến vị trí mai tang xác (mộ phần), hài cốt, tro hài cốt của người chết; xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt; làm hao hụt tro, hài cốt đã mai táng; di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của người thân thích của người chết hay làm thay đổi, biến dạng kiến trúc liên quan đến mộ phần người chết.

"Đối chiếu với hình ảnh và thông tin hiện có của vụ việc, có thể thấy đã xuất hiện dấu hiệu của hành vi đập phá, làm thay đổi, biến dạng mộ phần của người chết. Do đó, cơ quan điều tra sẽ tập trung vào vấn đề này, từ đó làm rõ có hay không sự tác động chủ quan của con người hay không. Trường hợp đủ cơ sở cho thấy có dấu hiệu của hành vi đập phá, công an có thể khởi tố vụ án hình sự Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt để điều tra theo quy định của pháp luật", luật sư phân tích.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ tập trung truy xét nghi phạm cũng như làm rõ động cơ, mục đích và hậu quả của hành vi. Nếu hành vi chỉ nhằm đập phá, hủy hoại tài sản trên phần mộ hay nhằm chiếm đoạt hài cốt, nghi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp việc đập phá nhằm chiếm đoạt các tài sản có giá trị có thể được chôn cất cùng người chết, cơ quan công an sẽ xác minh và làm rõ thêm hành vi có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm