1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Miền Bắc đang hứng không khí lạnh mạnh nhất mùa đông năm nay

Mẫn Nhi

(Dân trí) - Ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa đông 2023-2024, Bắc Bộ và Trung Bộ xảy ra rét đậm, rét hại diện rộng. Tình trạng này kéo dài đến cuối tháng 1.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tổ chức sáng 24/1 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì. 

Không khí lạnh xuất hiện ít nhưng cường độ mạnh

Tại hội nghị, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc. Nhiệt độ toàn cầu cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp 1,45 độ C, tiến gần đến giới hạn đặt ra là 2 độ C trong Thỏa thuận Paris thông qua năm 2015.

"Tốc độ nóng lên toàn cầu nhanh đến mức Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phải thốt lên thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên nung nóng toàn cầu", đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn dẫn thông tin.

Miền Bắc đang hứng không khí lạnh mạnh nhất mùa đông năm nay - 1

Băng giá phủ trắng đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ngày 24/1, khi miền Bắc đang ở trong đợt rét hại diện rộng (Ảnh: Nguyễn Hải).

Dự báo hiện tượng El Nino (pha nóng) còn kéo dài và đạt đỉnh trong năm 2024, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết năm nay có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn.

Trước mắt, cơ quan này cảnh báo nguy cơ thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu năm, ở Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8. Hiện tượng nắng nóng tại Nam Bộ, Tây Bắc Bộ và Trung Bộ khả năng đến sớm, xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Đáng lưu ý, bão và áp thấp nhiệt đới có thể hình thành ở Biển Đông nhiều hơn. Vì vậy, công tác phòng, chống bão sẽ phải thực hiện nhanh hơn, gấp hơn vì bão trên Biển Đông sẽ tác động rất nhanh đến đất liền.

Cùng với đó, không khí lạnh hoạt động không nhiều nhưng lại xuất hiện những đợt có cường độ mạnh, gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, mưa tuyết ở vùng núi Bắc Bộ.

Hiện, ảnh hưởng của khối không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa đông 2023-2024, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ trung bình ngày thấp hơn 13 độ C, nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã xảy ra băng giá.

"Dự báo, đợt rét đậm, rét hại này có thể kéo dài đến khoảng ngày 28/1", cơ quan khí tượng cho biết. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó có công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… vào công tác phòng, chống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Tránh diễn tập phô trương, hình thức

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang quán triệt quan điểm tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai do tình hình thời tiết được dự báo tiếp tục thay đổi bất thường, nắng nóng vào đầu năm, mưa bão vào cuối năm.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải giữ nguyên tắc phòng hơn chống, cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời cho người dân, kể cả bằng tin nhắn điện thoại, để người dân tự bảo vệ được chính mình và từng bước xây dựng ý thức cùng tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Miền Bắc đang hứng không khí lạnh mạnh nhất mùa đông năm nay - 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Đồng thời, các đơn vị cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát ở cơ sở; quan tâm đào tạo kỹ năng cơ bản cho các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở; phối hợp tốt cả trong diễn tập, trong phòng, chống thiên tai và cứu nạn. Công tác diễn tập phải bảo đảm sát với thực tiễn, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực bên ngoài; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Các cơ quan, đơn vị phải quản lý, phân bổ, sử dụng trang thiết bị một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động đề xuất việc mua sắm những trang thiết bị cần thiết; đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan. 

Báo cáo tại hội nghị cho thấy từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra hơn 5.300 sự cố, thiên tai, làm chết 924 người, mất tích 205 người, bị thương 977 người; chìm, cháy, hỏng 555 phương tiện; cháy 1.740 nhà, xưởng, ki-ốt chợ, 1.346 ha rừng và thảm thực vật.

Sự cố, thiên tai cũng làm hư hỏng gần 16.000 nhà; hơn 115km đê, kè, kênh mương, 711 công trình thủy lợi, cuốn trôi 179 cầu tạm; hư hại trên 151.000 ha lúa, hoa màu, hơn 3.500 ha nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè; chết gần 75.400 con gia súc, gia cầm.

Tổng thiệt hại về kinh tế do sự cố, thiên tai ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.