1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Lý do tuyến đường đầu tư 165 tỷ đồng ở Quảng Bình chưa đưa vào sử dụng

Tiến Thành

(Dân trí) - Một tuyến đường tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) có tổng mức đầu tư hơn 165 tỷ đồng, cơ bản đã làm xong nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì phải "nằm" chờ đấu nối.

Tuyến đường nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường tránh thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) là một dự án quan trọng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Ban Quản lý dự án (QLDA) Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới được giao nhiệm vụ thực hiện dự án.

Bề rộng nền đường là 36m, dài 1,438km, với tổng mức đầu tư hơn 165 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2023.

Lý do tuyến đường đầu tư 165 tỷ đồng ở Quảng Bình chưa đưa vào sử dụng - 1

Tuyến đường mới nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến quốc lộ 1, tuyến tránh thành phố Đồng Hới (Ảnh: Tiến Thành).

Dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực phường Phú Hải, Bảo Ninh, Đức Ninh Đông, Đức Ninh và Nghĩa Ninh (thành phố Đồng Hới), tạo ra sự kết nối liên tục từ đông sang tây qua cầu Nhật Lệ 2.

Ngoài ra, tuyến đường sẽ giúp phòng, chống lũ lụt, ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực bán đảo Bảo Ninh và trung tâm thành phố Đồng Hới.

Dù đã hoàn thành hơn một năm trước, tuyến đường vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì chưa được đấu nối vào quốc lộ 1 tại km665+640, tuyến tránh thành phố Đồng Hới.

Lý do tuyến đường đầu tư 165 tỷ đồng ở Quảng Bình chưa đưa vào sử dụng - 2

Tuyến đường cơ bản đã hoàn thành (Ảnh: Tiến Thành).

Nguyên nhân chính dẫn đến việc đường chưa được đấu nối là do chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thành phố Đồng Hới không chấp thuận.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tuyến đường dài hơn 1,4km, một đầu chưa đấu nối, đầu còn lại đang bị chặn bởi dải phân cách cứng bằng bê tông.

"Nếu thông tuyến, các xã, phường phía tây Đồng Hới sẽ rút ngắn được quãng đường, tiết kiệm thời gian di chuyển. Con đường cơ bản làm xong cả rồi, đẹp, rộng rãi nhưng chưa đấu nối nên chẳng lưu thông được, tình trạng này kéo dài sẽ rất lãng phí", anh Nguyễn Trung Sơn, người dân trú xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, chia sẻ.

Lý do tuyến đường đầu tư 165 tỷ đồng ở Quảng Bình chưa đưa vào sử dụng - 3

Đầu còn lại của tuyến đường đang được chặn bởi dải phân cách bê tông (Ảnh: Tiến Thành).

Theo lãnh đạo Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, đơn vị đã có nhiều văn bản đề xuất và UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với nhà đầu tư BOT nhưng vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc.

Về phía nhà đầu tư BOT, đơn vị này lo ngại nếu đấu nối đường ngang vào đường tránh thành phố Đồng Hới, các phương tiện tham gia giao thông sẽ đổ dồn vào tuyến mới để tránh trạm, làm giảm lưu lượng qua trạm thu phí Quán Hàu, ảnh hưởng việc hoàn vốn đầu tư.

Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới từng đề xuất phương án cắm biển cấm để hạn chế việc phương tiện giao thông tránh trạm, nhưng vẫn không được chấp thuận.

Lý do tuyến đường đầu tư 165 tỷ đồng ở Quảng Bình chưa đưa vào sử dụng - 4

Nhà đầu tư BOT lo ngại nếu đấu nối, các phương tiện sẽ dồn vào tuyến đường mới để tránh trạm thu phí (Ảnh: Tiến Thành).

Theo quy định, các điểm đấu nối đường nhánh vào các tuyến đường được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (bao gồm dự án BOT), phải bảo đảm thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Việc đấu nối phải có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền và ý kiến của nhà đầu tư liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn, bền vững kết cấu công trình và lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí.

Do chưa đạt thỏa thuận giữa các bên, đến nay, dự án đường trăm tỷ tại Quảng Bình vẫn chưa thể phát huy được tiềm năng trong mục tiêu phát triển của địa phương.

Lý do tuyến đường đầu tư 165 tỷ đồng ở Quảng Bình chưa đưa vào sử dụng - 5

Người dân rất mong muốn chính quyền địa phương sớm tháo gỡ các vướng mắc để đưa tuyến đường vào sử dụng (Ảnh: Tiến Thành).

Trước đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục nhấn mạnh về những vướng mắc liên quan đến công tác đấu nối đường.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay, vướng mắc này đã gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của địa phương, cũng như các công trình của Quốc gia.

Hiện nay, quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã được thông qua, do đó, địa phương bày tỏ mong muốn có cơ sở để đồng bộ giữa quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng..., trong đó kết nối giao thông là huyết mạch để thực hiện quy hoạch hiệu quả.