Lực lượng quân khu 5 đã sang Lào giúp khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện
(Dân trí) - Đại tá Lê Hồng Quang - Phó trưởng phòng Phòng chống Thiên tai, Cục Cứu hộ- Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) - cho biết, ngay khi nắm được thông tin công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy của Lào bị vỡ, đơn vị đã chỉ đạo Quân khu 5 cử ngay lực lượng sang nước bạn Lào giúp đỡ.
Chiều nay (25/7), tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), Bộ trưởng NN&PTNT- Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT để chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trước tình hình thiên tai trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sự cố vỡ đập thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào).
Tại cuộc họp, Đại tá Lê Hồng Quang - Phó trưởng phòng Phòng chống Thiên tai, Cục Cứu hộ- Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) - cho biết, ngay khi nắm được thông tin công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy của Lào bị vỡ, đơn vị đã chỉ đạo Quân khu 5 cử ngay lực lượng và phương tiện sang nước bạn Lào giúp đỡ.
"Khi lực lượng quân khu 5 hỗ trợ xong sẽ tặng lại nước bạn Lào những phương tiện cứu hộ-cứu nạn của mình mang sang" - ông Quang nói thêm.
Cũng tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết, đơn vị này đã sẵn sàng cử 22 cán bộ đã được đào tạo bài bản tại Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai của Asean để sang giúp đỡ nước bạn Lào khắc phục sự cố vỡ đập nói trên nếu có yêu cầu.
"22 cán bộ này được đào tạo bài bản về kỹ năng ứng phó với tất cả các loại hình thiên, đồng thời những cán bộ này cũng được đào tạo về ngoại ngữ nên không có khó khăn gì trong công tác giao tiếp" - ông Hoài nói thêm.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, do mưa lớn dài ngày bởi ảnh hưởng của bão Sơn Tinh đã khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng ở nhiều khu vực của Lào. Sự cố vỡ xảy ra tại một đập phụ tại hồ Thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy đang trong giai đoàn tích nước xảy ra vào khoảng 20h ngày 23/7/2018.
Đập Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào) nằm trên 2 tỉnh Champasack và Attapeu, thuộc lưu vực sông Sekong, gồm hai đập chính: đập Xe-Pian và đập Xe-Namnoy. Công trình được khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến bắt đầu phát điện thương mại vào năm 2019. Công trình được xây dựng, vận hành bởi Công ty Năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy.
Theo thông tin ban đầu, việc đập Thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy bị vỡ đã gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực hạ lưu, khiến hàng trăm người chết và mất tích; hàng nghìn người hiện không có nhà để ở. Ngày 24/7/2018, Chính phủ Lào đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại huyện Samathay, tỉnh Attapeu.
Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, do ảnh hưởng của vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy dòng chảy về đồng bằng sông Cửu long có thể gia tăng, dự báo mực nước tại Tân Châu có thể gia tăng 7-10cm vào cuối tuần (27-28/7) so với điều kiện tự nhiên, như vậy không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ trên đồng bằng.
Tuy vậy vẫn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố để có những ứng phó kịp thời.
Ngay sau khi có thông tin đập thủy điện ở tỉnh Attapeu, Lào bị vỡ, ngày 24/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có điện thăm hỏi gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện thăm hỏi gửi Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì họp với các cơ quan hữu quan để nhận định tình hình và sẵn sàng triển khai các biện pháp hỗ trợ, ứng phó.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin về người Việt Nam hoặc kiều bào tại khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ trong trường hợp có người bị ảnh hưởng.
Trung tâm AHA căn cứ trên nhu cầu thực tế, ngày 25/7/2018, đã ưu tiên điều động các thành viên ASEAN-ERAT từ Thái Lan, có thể sử dụng được ngôn ngữ tiếng Lào, thuận tiện thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Các cán bộ Tổng cục Phòng chống thiên tai đã được đào tạo ASEAN-ERAT của Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ ứng phó khi cần thiết (nguồn cán bộ sẵn sàng khoảng 20 cán bộ)
Ban chỉ đạo TW về PCTT đã và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và tính toán về khả năng tác động tới Việt Nam; liên hệ chặt chẽ với trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA), sẵn sàng gửi cán bộ kĩ thuật và lực lực tham gia Nhóm đánh giá nhanh và ứng phó khẩn cấp của ASEAN (ASEAN-ERAT) để hỗ trợ Lào khi được yêu cầu.
Nguyễn Dương