Luật Xây dựng mới sẽ chấm dứt cảnh đường bị uốn cong?
(Dân trí) - “Hi vọng việc thực hiện luật Xây dựng sửa đổi lần này sẽ không có những cao ốc phải cắt ngọn, không có những con đường như Kim Liên - Ô Chợ Dừa đắt nhất hành tinh mà vẫn nhếch nhác, không có con đường nào bị uốn cong như đường Trường Chinh”…
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc “chốt” lại sau rất nhiều những ý kiến tranh luận, góp ý về dự thảo luật Xây dựng sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 10/4.
Dự án treo sẽ không còn “treo” quyền của người dân?
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) xác nhận, thực tế, người dân cũng bị phiền hà, kêu ca nhiều về việc các dự án treo kéo quá dài. Có những khu vực, việc công bố quy hoạch, dự án xong rồi để đấy tới 10, 15 thậm chí 20 năm, người dân phải “án binh bất động”, bị ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người sử dụng đất hợp pháp. Từ thực tế này, ông Lập tán thành quy định cấp giấy phép xây dựng tạm.
Ông Lập gợi ý, nếu cho dự án là 10-15 năm, triển khai, thu hồi đất trong thời hạn đó thì chủ công trình được cấp phép xây dựng tạm phải tự tháo dỡ, không được đền bù. Nhưng nếu hết thời hạn quy định cho dự án cơ quan chức năng mới thu hồi đất thì vẫn phải bồi hoàn các công trình đã được cấp phép xây dựng tạm như là với công trình được cấp phép xây dựng chính thức.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích, nếu làm tốt quy hoạch thì việc xây dựng công trình nào cũng phải căn cứ vào đó, không cần đặt vấn đề cấp phép. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, cấp phép xây dựng là công cụ quản lý Nhà nước quan trọng đối với lĩnh vực trật tự xây dựng, do đó, cần quy định chặt chẽ vấn đề này để tránh tình trạng "trăm hoa đua nở" trong các công trình xây dựng. Dù vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chỉ góp ý nên đổi cách gọi “Giấy phép xây dựng tạm” như trong dự thảo luật thành “Giấy phép xây dựng có thời hạn” để phù hợp với văn phong pháp luật, đồng thời tránh gây hiểu nhầm trong nhân dân.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) đồng tình với nhận định tên gọi “giấy phép xây dựng tạm” chưa ổn. Để bảo vệ quy hoạch, theo đại biểu này, yêu cầu không xây dựng trong vùng quy hoạch là hợp lý. Tuy nhiên, nếu chỉ đặt vấn đề như vậy là chưa chú trọng đến lợi ích của người dân, là “trao quyền rất to cho cơ quan nhà nước, cho các cấp chính quyền được chuyển mục đích sử dụng đất hợp pháp của người dân mà chưa giao trách nhiệm tương xứng để đảm bảo lợi ích của người dân, để người mất đất không quá thiệt thòi”.
Ông Mạo kiến nghị 2 phương án xử lý vấn đề. Phương án số một, ngay sau khi ban hành quy hoạch chi tiết, nhà nước tiến hành thu hồi đất và đền bù giải tỏa để người dân ra khỏi khu vực này, bảo vệ nguyên trạng quỹ đất cho các dự án sử dụng về sau. Nếu không làm được như vậy thì phương án khác là công bố quy hoạch nhưng chưa có tiền triển khai thì người dân nào trong khu vực muốn xây dựng nhà cửa thì nhà nước thu hồi đất, đền bù trước cho trường hợp này để người đó chuyển đi nơi khác ở cho ổn định. Theo ông Mạo, các phương án này khả dĩ để hài hòa lợi ích giữa các bên.
Tiếp thu các ý kiến góy ý cho nội dung này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định sẽ chỉnh lại dự thảo luật, dùng cụm từ “giấy phép xây dựng có thời hạn” thay cho khái niệm “giấy phép xây dựng tạm”. Về nội hàm của vấn đề, ông Dũng lấy ví dụ, đồ án quy hoạch có khu vực đặt ra kế hoạch 10 năm, có khu vực 20 năm sau mới dùng tới quỹ đất đó thì trong mỗi khu vực này, người dân được quyền xây dựng công trình theo tiêu chuẩn ứng với thời hạn đó.
Chuyển sang một nội dung khác là vấn đề đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Đặt vấn đề tổ chức hệ thống quy định để chặn tình trạng thất thoát, lãng phí trong việc thiết kế, thi công, xây dựng, các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ điều khoản “thẩm định dự án xây dựng”.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, cần làm tốt ngay từ khâu thẩm định thiết kế cơ sở, bởi đây là cơ sở để triển khai các bước thiết kế xây dựng tiếp theo, xác định tổng mức đầu tư xây dựng và là yếu tố mang quyết định tới hiệu quả dự án. Ông Tiến phân tích, nếu có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước từ khâu thiết kết cơ sở, chắc chắn sẽ không gây ra lãng phí, thất thoát.
Thiết kết cơ sở, theo đó, là khâu rất quan trọng đối với dự án đầu tư xây dựng, là cơ sở triển khai các bước tiếp theo, xác định tính khả thi của dự án và là yếu tố quyết định hiệu quả đầu tư dự án, đồng thời khắc phục tình trạng lãng phí tác động đến cảnh quan môi trường, mất an toàn cho cộng đồng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thiết kết xây dựng ngay từ đầu như quy định tại khoản 1 Điều 54 dự thảo luật là cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung thêm các điều khoản về quyết toán công trình và kiểm toán công trình, quản lý sử dụng công trình nhằm tránh lãng phí, thất thoát trong các dự án xây dựng. Đi liền với việc này, ông Thuyền tán thành đề xuất lập lại các Ban quản lý dự án Bộ Xây dựng đưa ra nhưng làm sao để tránh trở thành các PMU18 như trước đây.
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đặt kỳ vọng: “Hi vọng thực hiện luật sửa đổi lần này sẽ không có những công trình cao ốc bị cắt ngọn, không có những con đường như Kim Liên – Ô Chợ Dừa đắt nhất hành tinh mà vẫn nhếch nhác, không có con đường nào bị uốn cong như đường Trường Chinh mà dư luận đang mổ xẻ, không có dự án nào như dự án nhà ở của cán bộ Văn phòng Quốc hội ở Xuân Phương ì xèo bấy lâu. Hi vọng luật mới sẽ khắc phục được rất nhiều điểm yếu tồn tại hiện nay”.
P.Thảo