PhotoStory

Lớp học đặc biệt của những học trò "áo sọc" ngày giáp Tết

Thực hiện: Nguyễn Hải

(Dân trí) - "Cả lớp chú ý lên bảng, cô chỉ đến đâu đọc theo đến đấy: Khuyên, tuyết, xuân,..." tiếng của cô giáo Chử Thị Hồng vang lên giữa lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân Trại giam Yên Hạ những ngày giáp Tết.

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 1

Đằng sau cánh cổng của Phân trại số 1, Trại giam Hạ Yên (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) có một lớp học đặc biệt dành cho những người mặc "áo sọc". 

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 2

Đó là lớp dạy học xóa mù chữ cho các phạm nhân tại trại giam diễn ra vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6. 

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 3

Đứng trên bục giảng nữ Đại úy Chử Thị Hồng cầm theo cây thước đánh vần từng chữ "khuôn khổ", "lễ phép",... để các học trò phía dưới đọc theo. Học trò của cô giáo Hồng người ít tuổi nhất cũng hơn 20 và học trò cao tuổi nhất đã gần 60…

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 4

Tham gia lớp học, đều là các phạm nhân không những biết viết, không biết đọc. Từ những nét bút nguệch ngoạc ban đầu, sau vài tháng kiên trì học tập, nhiều phạm nhân đã có thể viết được thư gửi về cho gia đình. 

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 5

Mỗi năm trại giam Yên Hạ tổ chức 2 lớp xóa mù chữ, mỗi lớp có 35 phạm nhân, thời gian học kéo dài 9 tháng với 2 cô giáo là Đại úy Chử Thị Hồng, cán bộ Trại giam Yên Hạ và cô Chu Thị Thu, giáo viên hợp đồng.

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 6

Lớp học được bố trí tại hội trường lớn, rộng khoảng 200 m2, các học sinh không phân biệt tuổi tác.

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 7

Tiếng gõ thước vào bảng xen lẫn tiếng cô đọc trước, trò đồng thanh đọc sau "kỷ luật", "lễ phép" nghe thật đặc biệt.

Buổi học được tính như một buổi lao động cải tạo. Kết quả của khóa học là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành cải tạo của các phạm nhân.

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 8

Học sinh ở đây chủ yếu là người lớn tuổi, dân tộc thiểu số, thậm chí nhiều người chưa nói sõi tiếng Việt nên việc học chữ gặp khó khăn. Do vậy các cô giáo không thể nóng vội mà phải nhẫn nại, kiên trì dạy học cho phạm nhân. Nhiều học sinh hôm nay đọc được chữ nhưng ngày mai lại quên hết.

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 9

Một phạm nhân lớn tuổi phải mất đến hơn 1 phút mới đánh vần xong chữ "khuôn khổ". Phạm nhân này cho biết, do không biết chữ nên tuy đã nhiều tuổi nhưng khi vào trại giam mới bắt đầu học chữ, tập đọc.

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 10

Người đứng lớp giảng dạy là cán bộ của trại giam Hạ Yên nhưng Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên sẽ chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn. Đến nay Trại giam Yên Hạ đã xóa mù chữ cho gần 700 phạm nhân.

Vàng A Sang (quê Điện Biên) khi vào trại không biết chữ, khi biết có lớp xóa mù chữ tại trại đã xin đi học và học tập rất chăm chỉ. 

Sang tâm sự, từ khi được học chữ, biết đọc sách đã có nhiều suy nghĩ tích cực hơn. Việc gần nhất Sang nghĩ đến là sẽ viết thư cho gia đình.

Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 11
Lớp học đặc biệt của những học trò áo sọc ngày giáp Tết - 12

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Chiến, Giám thị Trại giam Yên Hạ, phạm nhân trại đang quản lý, giam giữ chủ yếu là người vốn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhiều phạm nhân không biết chữ phổ thông (chiếm tỉ lệ gần 17% trên tổng số phạm nhân trại đang quản lý).

Việc dạy học cho phạm nhân sẽ giúp họ có nhận thức tốt hơn, ăn năn hối cải trước hành vi phạm tội của bản thân, cải tạo tốt để khi được ra tù trở về cộng đồng sẽ là người có ích cho xã hội.