1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Công an nói về việc phân loại phạm nhân trong trại giam

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Bộ Công an cho biết, việc tổ chức phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại như hiện nay đã đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân...

Cử tri phản ánh hiện nay việc giam, giữ và cải tạo phạm nhân chưa được bố trí riêng theo từng loại tội phạm. Cử tri cho rằng việc bố trí chung các loại tội phạm với nhau rất dễ dẫn đến tình trạng xung đột, mâu thuẫn giữa các đối tượng do nhận thức của các đối tượng này rất khác nhau. Cử tri kiến nghị, Bộ Công an cần nghiên cứu thành lập các trại giam hoặc có phân khu để giam, giữ, cải tạo riêng các loại tội phạm nhằm đảm bảo tinh thần, sức khỏe cho phạm nhân trong suốt quá trình bị giam, giữ, cải tạo.  

Về nội dung trên, Bộ Công an cho biết: Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các loại tội phạm được quy định từ Chương XIII đến Chương XXVI.

Tuy nhiên, để đảm bảo công tác giam giữ và giáo dục, lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân, căn cứ vào tính chất của tội phạm, mức hình phạt, đặc điểm nhân thân, kết quả chấp hành án, Bộ Công an đã quy định phân loại giam giữ phạm nhân thành 3 nhóm tội (Loại A gồm phạm nhân phạm một trong các tội quy định tại Chương 13, Chương 26; Loại B gồm phạm nhân phạm các tội quy định tại Chương 14 (lỗi cố ý), Chương 15, Chương 16 (lỗi cố ý), và các Chương 20, 21, 22; Loại C gồm phạm nhân phạm các tội quy định tại Chương 14 (lỗi vô ý), Chương 15, Chương 16 (lỗi vô ý) và các Chương 17, 18, 19, 21, 22, 23, 24, 26).

Bộ Công an nói về việc phân loại phạm nhân trong trại giam - 1

Bộ Công an cho biết, việc tổ chức phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại như hiện nay đã đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân... (Ảnh: Hoàng Lam).

Đồng thời, các trại giam hiện nay đang giam giữ phạm nhân theo Điều 30 và 35 Luật Thi hành án hình sự; Điều 6 và 9 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 của Chính phủ và Thông tư số 09/2020/TT-BCA ngày 4/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, tổ chức giam giữ như sau:

 Khu I giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc các trường hợp tái phạm nguy hiểm.

- Khu II giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại dưới 15 năm; phạm nhân thuộc các trường hợp tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành một phần hai thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án.

- Trong từng khu giam, những phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng: phạm nhân nữ; phạm nhân là người dưới 18 tuổi; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân bị bệnh truyền nhiễm; phạm nhân có dấu hiệu bị tâm thần; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam; phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính; phạm nhân giam giữ tại nhà giam riêng do vi phạm nhiều lần, chống đối, không chịu lao động.

- Ngoài ra, mỗi phân trại giam đều có buồng kỷ luật để giam những phạm nhân bị kỷ luật.

Như vậy, với các quy định của pháp luật hiện hành, việc tổ chức phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại như hiện nay đã đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với phạm nhân và bảo đảm an ninh, an toàn trại giam cũng như đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho phạm nhân.