1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Long An xin rút vai trò điều phối Vành đai 4 vì vướng 3 khó khăn

Xuân Hinh

(Dân trí) - Long An cho rằng địa phương này có dự án Vành đai 4 TPHCM dài nhất đi qua nhưng do địa phương chưa từng làm dự án nào lớn nên khi điều phối sẽ gây chậm dự án.

Long An xin rút vai trò điều phối Vành đai 4 vì vướng 3 khó khăn - 1

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được khảo sát dự án kết nối với Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh Long An (Ảnh: H.D).

UBND tỉnh Long An vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về những khó khăn trong việc giao tỉnh này là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối dự án Vành đai 4 TPHCM.

Công văn nêu rõ, tại buổi làm việc ngày 15/4 của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề xuất Thủ tướng giao Long An là cơ quan đầu mối, điều phối dự án Vành đai 4 TPHCM vì là địa phương có đoạn dài nhất đi qua.

Tuy vậy, sau khi nghiên cứu, UBND tỉnh Long An cho biết gặp phải 3 khó khăn lớn khi được giao làm cơ quan điều phối.

Thứ nhất, Long An là một địa phương vùng ven của TPHCM. Tuy dự án Vành đai 4 TPHCM đi qua địa phương dài nhất (78,3km) nhưng Long An không thể đại diện cho cả vùng.

Long An không đủ tầm ảnh hưởng để tổng hợp, điều phối, triển khai dự án tầm cỡ lớn có tính chất liên vùng. Long An cũng chưa từng triển khai dự án nào lớn như vậy nên nếu giao cho tỉnh này làm cơ quan tổng hợp điều phối Vành đai 4 TPHCM sẽ gây chậm trễ cho việc triển khai để dự án hoàn thành theo kế hoạch.

Thứ hai, Long An là một trong 13 tỉnh thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Việc giao cho tỉnh Long An tổng hợp, điều phối dự án vành đai 4 TPHCM với các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam Bộ là không phù hợp.

Thứ ba, Vành đai 4 TPHCM là dự án có tính chất liên vùng, liên kết 4 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu với TPHCM. Mặt khác, vành đai 4 TPHCM thuộc dự án nhóm A cần thông qua Quốc hội.

Do đó việc giao nhiệm vụ cho một cơ quan tổng hợp, điều phối đủ mạnh về mặt pháp lý, có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn, có tính chất trọng điểm quốc gia sẽ phù hợp hơn là để một tỉnh hoặc TPHCM đại diện triển khai, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Với những khó khăn trên, UBND tỉnh Long An đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối dự án Vành đai 4 TPHCM.

Long An xin rút vai trò điều phối Vành đai 4 vì vướng 3 khó khăn - 2

Sơ đồ các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 TPHCM (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Vành đai 4 dài gần 200km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An với vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng. Dự án vành đai 4 được thiết kế 6-8 làn xe, điểm đầu giao Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TPHCM). 

Khi hoàn thành, dự án dự kiến sẽ tạo liên kết giữa các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.