Loa phường: Người than điếc tai, người khen hữu ích!

(Dân trí) - Nói về hàng trăm chiếc loa phường đang ngày đêm "phát sóng" ở Thủ đô, anh Thái bức xúc: "Có hôm mẹ tôi, con tôi chưa ngủ dậy, loa đã oang oang vận động thu gom rác thải...". Trong khi đó Chủ tịch phường Cát Linh lại nhận định hệ thống loa phường là kênh thông tin khó thay thế.

 

loa-phuong-2-1441859867320
Loa phường tiếp tục gặp phải phản ứng của rất đông người dân Hà Nội.

 

Thời gian gần đây, người dân Thủ đô tiếp tục bày tỏ bức xúc với hệ thống loa phường gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

“Những gia đình nào ở ngay gần cái loa phường mà có bố mẹ già yếu, con nhỏ cần yên tĩnh để nghỉ ngơi thì mới biết 15 phút phát sóng của loa phường vào buổi sáng và chiều tối gây ảnh hưởng như thế nào”- anh Nguyễn Thái (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) bức xúc.

Khu tập thể nơi anh Thái sinh sống có hệ thống loa phường giăng mắc xung quanh. Cứ cách vài khu nhà lại có 1-3 chiếc loa phường chĩa thẳng vào các khu đông dân cư. Loa được treo trên những chiếc cột điện có độ cao ngang với tầng 2 của các dãy nhà. Ngày qua ngày, 7 giờ sáng và 17 giờ chiều, hệ thống loa phường đồng loạt phát sóng với âm thanh ở mức to nhất để toàn dân trong khu tập thể có thể nghe được thông tin mà chính quyền sở tại cần truyền tải.

“Buổi sáng có khi mẹ và con tôi còn chưa ngủ dậy nhưng loa phường đã oang oang kêu gọi thu gom rác thải,... Có hôm mẹ tôi bị ốm, cần yên tĩnh nghỉ ngơi nhưng loa phường vẫn cứ phát ầm ĩ mà chúng tôi cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn”- anh Thái nói.

Bức xúc của gia đình anh Nguyễn Thái điển hình cho một bộ phận không nhỏ dân cư ở Thủ đô hiện nay. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, các khu vực tập trung đông dân cư ở Hà Nội như quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy có hệ thống loa phường “đông đúc” hơn cả. Ở các khu tập thể cũ như Thành Công, Bách Khoa, Giảng Võ, Lý Nam Đế, Cơ khí Hà Nội,... hệ thống loa phường còn dày đặc hơn.

Nhiều chỗ, 3 chiếc loa “chụm đầu” hướng về 3 hướng để lan tỏa thông tin hiệu quả nhất. Thậm chí có nhiều nơi như ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), người dân thường xuyên “được nghe” tin buồn thông báo về người này, người kia vừa mới qua đời và thời gian tổ chức thăm hỏi, an táng mà rất nhiều người không hề biết người vừa khuất núi là ai.

 

loa-phuong-1-1441859867486

Tuy nhiên không ít người lớn tuổi lại ủng hộ việc duy trì loa phường vì họ ít có điều kiện hoặc khó tiếp xúc các nguồn thông tin khác như báo mạng, ti vi, báo giấy...

 

Tuy nhiên khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy một bộ phận khá đông người dân lớn tuổi ở Hà Nội ủng hộ việc duy trì loa phường.

Ông Duy Tuấn (77 tuổi, khu tập thể Lý Nam Đế) cho rằng chiếc loa phường đã gắn bó thân thuộc với cuộc sống của mỗi người dân Thủ đô từ thời kháng chiến đến giờ. “Chúng tôi có thói quen theo dõi thông tin qua loa phường, ngày xưa thì xem tình hình chiến tranh như thế nào, còn bây giờ thì xem trên địa bàn mình sinh sống có gì mới, có thủ đoạn lừa đảo gì không. Đó là những thông tin không phổ biến trên internet và nếu có thì chúng tôi cũng không thể cập nhật được”- ông Tuấn nói.

Theo bà Lê Thị Minh Hoa - Chủ tịch UBND phường Cát Linh (quận Đống Đa), thông tin phát sóng trên hệ thống loa phường rất đa dạng. Đó là thông tin do phòng văn hóa, ban tuyên giáo quận ủy phát hành hay thông tin về hoạt động của các đoàn thể, báo cáo về hoạt động của chính quyền phường, thông báo treo cờ tổ quốc, tổng vệ sinh, thu các loại quỹ, chính sách mới ban hành,...

“Loa lắp đặt ở chỗ nào, vị trí treo loa ra sao, khi treo loa thì hướng về khu dân cư hay quay ra ngoài đường,... đều được chúng tôi lấy ý kiến góp ý từ cơ sở. Vừa rồi hệ thống loa trên địa bàn phường bị hư hỏng, nhiều loa không hoạt động được trong một thời gian nhưng người dân đã đề nghị sớm lắp đặt loa mới. Có chỗ ban đầu loa hướng ra ngoài đường thì các bác ở khu dân cư còn đề nghị chúng tôi điều chỉnh loa quay về hướng dân cư để nghe thông tin cho rõ ràng hơn”- bà Hoa nói.

Mỗi chương trình phát thanh vào buổi sáng và chiều tối ở phường Cát Linh chỉ kéo dài 15 phút. Nội dung chương trình gần gũi, thiết thực với cuộc sống của người dân sinh sống trên địa bàn phường nên theo bà Hoa, hiện nay không thể có kênh thông tin nào thay thế được.

“Khi chúng tôi cần thông báo về hoạt động tiếp xúc cử tri, kết quả đại hội đảng bộ quận, thành phố hay về chiến dịch tổng vệ sinh trên địa bàn phường, thu một số loại phí, điểm mới trong đóng bảo hiểm y tế,.... thì hệ thống loa phường chính là trợ thủ đắc lực. Các bác tổ trưởng dân phố không thể nào gõ cửa từng hộ gia đình để thông báo, nhắc nhở về những chuyện này. Theo quy định hiện nay, mỗi tổ trưởng dân phố phụ trách khu dân cư lên tới hàng trăm hộ gia đình, nếu có thông tin phát trên loa thì các bác ấy được hỗ trợ rất nhiều, người dân cũng ý thức hơn”- bà Hoa nói và cho rằng việc phát thanh vào thời điểm nào, nội dung gì cần được các phường, xã nghiên cứu cho phù hợp.

 

loa-phuong-3-1441859867401

Đến nay chưa có quy định cụ thể nào về quản lý hoạt động của loa phường, xã. Trong ảnh là một chiếc loa ở trong làng Thành Công, chiều chiều vẫn được mở hết công suất khiến nhiều người dân bức xúc.

 

“Gia đình tôi và rất nhiều bạn bè nổi tiếng của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều từ những chiếc loa phường”- PGS.TS Trịnh Hòa Bình (chuyên gia xã hội học) nói với chúng tôi.

Đánh giá một cách khách quan, ông Bình cho rằng việc phủ sóng thông tin ở cấp cơ sở (phường, xã) sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu xóa bỏ hệ thống loa đã duy trì từ thời chiến.

“Hiện nay chính quyền muốn thông tin tới người dân vẫn nhờ vào lực lượng tổ trưởng dân phố, nhưng những người này làm sao có thể đi phổ biến tới tất cả các hộ gia đình được. Chính vì thế loa phường trên thực tế vẫn là kênh thông tin hữu hiệu trong một lát cắt nào đó khi mà các khu dân cư luôn xen kẽ giữa những người có học thức, hiểu biết, dễ dàng tiếp cận với internet với những người lao động đầu tắt mặt tối, chỉ có nhu cầu tiếp cận những thông tin gần gũi xung quanh mình”- ông Bình phân tích.

Tuy nhiên nếu quy chiếu sang các nước tiên tiến thì những chiếc loa phường đang xâm phạm vào đời sống riêng tư của mọi người dân. “Đối tượng chính sách neo đơn, bệnh tật, gia đình có con nhỏ sẽ rất khổ sở nếu chẳng may sống cạnh những chiếc loa phường luôn được điều chỉnh to hết công suất để những người dân ở cách xa vài chục mét tới cả trăm mét vẫn nghe thấy”- ông Bình dẫn chứng. Ông cho rằng ở những đô thị đang hướng tới sự văn minh, hiện đại, người dân có thể tiếp cận internet dễ dàng như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM thì phải đầu tư áp dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa.

“Nhiều nơi ở Đà Nẵng đã có wifi miễn phí cho người dân sử dụng rồi. Vậy thì đã tới lúc nghĩ tới câu chuyện xây dựng kênh thông tin trên mạng internet để phổ biến thông tin ở cấp phường hiệu quả hơn thay vì mãi mãi duy trì thông tin qua hệ thống loa”- nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình đặt vấn đề.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, nói đã nắm được những băn khoăn, thậm chí bức xúc của một bộ người dân về hệ thống loa phường.

Bà Tú cho biết Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xây dựng dự thảo về quy chế hoạt động của hệ thống loa phường xã trình lên UBND TP Hà Nội từ khá lâu rồi, nhưng khi đưa ra lấy ý kiến thì các sở ngành liên quan đều băn khoăn bởi không biết “vin” vào cơ sở pháp lý nào để ban hành.

“Loa ở các phường xã thuộc hệ thống thông tin cơ sở đã được duy trì từ rất lâu rồi. Tuy nhiên đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có hướng dẫn về quản lý hệ thống loa này như thế nào. Sở chúng tôi đã đề xuất quy chế quản lý xung quanh việc loa sẽ phát cái gì, giờ nào phát, âm lượng ra sao, bộ máy quản lý như thế nào,... nhưng ở tầm vĩ mô chưa có quy định chung nên rất khó”- bà Phan Lan Tú nói.

Dù vậy bà Phan Lan Tú vẫn hi vọng Hà Nội sẽ sớm có một quy chế về quản lý hoạt động của hệ thống loa phường để đảm bảo sinh hoạt cho các cộng đồng dân cư được tốt hơn. “Loa sử dụng ở các phường trong nội thành chắc chắn phải khác so với ở các xã vùng ven Hà Nội từ nội dung cho tới âm lượng, thời gian phát sóng,...”- bà Lan Tú khẳng định.

Thế Kha