1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lo ngại về nguồn vốn đầu tư cho chiến lược năng lượng

(Dân trí) - “Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ hút cạn vốn đầu tư cải tạo các loại hình giao thông khác, thay đổi hệ thống vận tải tiêu dùng nhiều năng lượng hiện nay”, đại biểu thảo luận về Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại Quốc hội.

Báo cáo của Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ & môi trường Đặng Vũ Minh “nhắm” các đối tượng sử dụng năng lượng cần quản chặt là các dự án đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Lo ngại về nguồn vốn đầu tư cho chiến lược năng lượng - 1
Không ít đại biểu băn khoăn về chế tài trong quy định kiểm toán năng lượng (ảnh: Việt Hưng).

Nhiều đại biểu kiến nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước vì đây là khối đơn vị tiêu thụ nhiều điện năng, ý thức tiết kiệm điện chưa được nâng cao. Tiếp thu các ý kiến này, dự thảo Luật đã bổ sung thêm chương V quy định các dự án đầu tư mới, cải tạo cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng có sử dụng ngân sách phải thực hiện nghiêm các chính sách pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm (Điều 29); hiệu quả, áp trách nhiệm quản lý với người đứng đầu đơn vị (Điều 31); Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cũng bị áp quy định cụ thể về việc kiểm toán bắt buộc (Điều 34); làm rõ trách nhiệm với người quản lý năng lượng (Điều 35)…

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) thắc mắc về nguyên lý đưa ra mốc thời gian thực hiện kiểm toán 3 năm một lần. Theo ông Hải, việc kiểm toán bắt buộc có thể thực thi hiệu quả nhưng chế tài để xử lý những trường hợp không thực hiện thì chưa được đề cập.

Lo ngại về nguồn vốn đầu tư cho chiến lược năng lượng - 2

Đại biểu Trần Đình Xuân: “Nước láng giềng của chúng ta không hề thiếu than nhưng ta bán bao nhiêu họ cũng mua” (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) chỉ thêm bất cập, kiểm toán năng lượng nếu thực hiện theo yêu cầu của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thì có thểm xem là một dịch vụ nhưng để phục vụ công tác quản lý nhà nước sẽ không khách quan, hiệu quả.

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) kiến nghị các tòa nhà cao tầng, chung cư là đối tượng tiêu dùng điện rất lớn, chiếm tới 25% lượng điện năng tiêu thụ, cần áp quy chế như với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Mỗi công trình cũng cần xây dựng chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm như một điều kiện để cấp phép xây dựng.

Đại biểu Trần Đình Xuân (Tây Ninh) bổ sung thêm đề xuất buộc các khu chung cư mới xây dựng cần có hệ thống thiết bị thâu nhận, sử dụng năng lượng mặt trời.

Đề cập đến vấn đề nguyên tắc trong việc kiểm soát hiệu quả năng lượng sử dụng, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cho rằng nguyên tắc hàng đầu là phải quản lý nguồn năng lượng khoáng sản bởi tiềm lực này của Việt Nam hiện không còn nhiều.

Ông Dũng nêu các con số, lượng dầu khí khai thác khoảng 30 năm nữa sẽ cạn kiệt. Than chỉ 2 năm nữa phải nhập khẩu, đến 2015 dự kiến lượng nhập lên tới 34 triệu tấn trong khi hiện tại mỗi năm vẫn xuất rẻ mất hàng chục triệu tấn.

Lo ngại về nguồn vốn đầu tư cho chiến lược năng lượng - 3

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng trao đổi với phóng viên trong giờ nghỉ (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu tỏ ý lo ngại, việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ hút cạn nguồn vốn đầu tư để cải tạo hạ tầng các loại hình giao thông khác cũng như đầu tư thay đổi hệ thống trang thiết bị vận tải tiêu dùng nhiều năng lượng hiện nay. Trong bối cảnh đó, chỉ một chiếc xe quay đầu làm tắc hàng km đường cả 2 chiều, dòng xe vẫn rầm rập nổ máy, lượng xăng dầu lãng phí rất lớn chưa được tính đến.

Đại biểu Xuân tiếp lời: “Nước láng giềng của chúng ta không hề thiếu than nhưng ta bán bao nhiêu họ cũng mua, mục đích sau này bán lại với giá cao?”. Ông Xuân kiến nghị giải pháp mạnh là cấm xuất khẩu than. Tình trạng móc trộm, bán trộm tài nguyên năng lượng, chỉ trong vòng vài ngày mà “chảy máu” hàng trăm tấn than, đại biểu cho là không thể chấp nhận cách thức quản lý như vậy.

Đại biểu Nguyễn Tấn Quân (Khánh Hòa) cũng nêu giải pháp mạnh yêu cầu Chính phủ thường kỳ phải có báo cáo Quốc hội cụ thể về việc thay đổi trữ lượng, kế hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn dầu mỏ, than đá của đất nước.

P.Thảo