Lấy thân làm "mồi" cho muỗi chích xuyên đêm ở TPHCM
(Dân trí) - Trời sập tối, cũng là lúc nhóm nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM bắt đầu hành trình săn muỗi ở các quận, huyện ngoại thành.
Cứ đều đặn vào tối thứ ba và thứ năm hàng tuần, nhóm nghiên cứu gồm 4 người của khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM lại miệt mài đến các điểm có lịch sử xuất hiện nguồn bệnh sốt rét ở TPHCM để bắt muỗi.
Mục đích của việc bắt muỗi này là xác định thành phần loài, mật độ, diễn biến các chỉ số quần thể muỗi theo thời gian tại các điểm được giám sát. Từ đó, đưa ra biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.
Điểm đến của nhóm nghiên cứu lần này là chuồng gia súc của gia đình bà Lê Thị Mau (57 tuổi) ở xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Sau khi đến điểm xác định, cả nhóm chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng để tiến hành săn muỗi.
Máy bắt muỗi cầm tay chuyên dụng và đèn pin là hai vật dụng để nhóm nghiên cứu săn muỗi ở khu vực chuồng gia súc.
Nhóm nghiên cứu sẽ đi quanh chuồng gia súc để tìm bắt những con muỗi Anophen.
Muỗi Anophen trưởng thành có màu nâu sẫm và đen. Điểm khác biệt của loài muỗi này so với những loài khác là lúc nghỉ ngơi phần bụng sẽ hướng lên. Chiều dài của cơ thể muỗi Anophen thường bằng với chiều dài của vòi, trên cánh có các vẩy màu đen trắng. Muỗi Anophen cũng là tác nhân truyền ký sinh trùng sốt rét cho người khá nhanh chóng.
Mỗi loài muỗi đều có khung giờ hoạt động nhất định. Muỗi Anophen hoạt động từ khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc và hoạt động mạnh nhất ở khung giờ 19-21h.
Trung bình mỗi đêm, nhóm nghiên cứu sẽ bắt được từ 20 đến 50 con muỗi.
Theo Thạc sĩ Mai Xuân Phán, Phó khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, ở TPHCM hiện có Nhà Bè và Cần Giờ là hai điểm có lịch sử xuất hiện bệnh sốt rét cần được theo dõi giám sát muỗi theo định kỳ hằng tháng. Việc này có mục đích đánh giá sự biến động của quần thể muỗi, từ đó cảnh báo cho người dân và cơ quan chuyên môn chủ động có giải pháp phòng tránh bệnh sốt rét.
Ngoài việc bắt muỗi ở khu vực chuồng gia súc, nhóm nghiên cứu còn tự làm "mồi nhử" để bắt muỗi. Khu vực bắt muỗi tại bìa rừng xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ).
Phương pháp dùng mồi người bắt muỗi đêm được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống sốt rét, ban hành tại Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25/10/2021. Theo đó, người bắt muỗi phải bộc lộ các phần cơ thể (tay, chân…) để dẫn dụ muỗi bay đến bám đậu, chích hút máu để bắt.
Khi có muỗi cắn, họ dùng ống nghiệm để bắt chúng, rồi dùng bông gòn đậy lại. Mặc dù rất ngứa nhưng các nhân viên vẫn cố gắng không động đậy để muỗi bám đậu vào người càng nhiều càng tốt.
Sau khi bắt đủ số lượng muỗi, cả nhóm lên đường trở về lại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (quận 8) trong đêm.
Muỗi sau khi bắt về, sẽ được bảo quản ở nhiệt độ 8-10 độ C.
Sau đó sẽ xác định thành phần loài, tính mật độ muỗi để phục vụ giám sát, hoặc dùng thử nghiệm sinh học, xác định mức nhạy cảm của muỗi đối với hóa chất và đánh giá hiệu lực diệt tồn lưu của hóa chất.
Để thuận tiện cho việc định loại, muỗi Anophen sau khi bắt về phải giữ nguyên được chân và cánh.
Muỗi Anophen qua kính hiển vi tại phòng thí nghiệm. Theo thống kê, có khoảng 460 loài muỗi Anophen khác nhau, trong đó có khoảng 60 loài gây ra bệnh sốt rét nguy hiểm cho con người.