Bắt muỗi

Nghe tôi bảo chuẩn bị vào rừng bắt muỗi, người bạn vẫn thường quan tâm đến những chuyện “hứng đột xuất” của tôi, cười phá lên trong điện thoại: “Đừng có điên!”. Và tôi đã có một đêm “điên” với những người bắt muỗi ở Khánh Phú.

Đến “vựa” sốt rét

 

Có thể nói như vậy khi đề cập đến bệnh sốt rét ở vùng rừng Khánh Phú thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ông Nguyễn Sơn Hải - Đội phó Đội nghiên cứu sốt rét Khánh Phú, người có 45 năm “làm bạn” với muỗi và bệnh sốt rét - tiết lộ một thông tin làm tôi giật thột: “Cả nước chỉ có mỗi Khánh Phú này được chọn làm điểm duy nhất để nghiên cứu về muỗi và bệnh sốt rét đấy”.
 
Bắt muỗi

Cả đêm ngồi rình bắt muỗi

 

Từng bị sốt nghiêng rừng từ những năm còn mặc áo lính, tôi thấm thía với những cơn co giật, lạnh cũng đó mà nóng cũng đó như thế nào rồi nên khi nghe thông báo thế, tôi cảnh giác ngay. Ông Hải trấn an: “Không sao đâu, đó là chuyện của 19 năm trước, giờ thì...”. Ông bỏ lửng câu nói và tôi tự hiểu rằng, giờ thì không còn “vựa” nữa, nhưng thi thoảng, sốt rét vẫn còn! Ông Hải gật đầu đồng ý rồi dẫn tôi ra vườn, chỉ vào một tảng đá được gọt đẽo thật khéo, đặt một nơi khá khiêm nhường, nhưng khách dễ bị “hút hồn” vào nội dung ghi trên phiến đá.

 

Bên phải, phần phía trên là chân dung một người đàn ông có khuôn mặt rất hiền, nhưng kèm theo câu nói ở bên dưới thì chẳng “hiền” chút nào. Nó như lời tuyên bố của một người đã chọn Khánh Phú để đánh cược cả đời mình, cũng là để dặn lòng, động viên chính mình và các đồng nghiệp trên con đường đầy chồng gai lẫn muỗi mòng phía trước: “Chọn Khánh Phú như húc đầu vào đá. Nếu giải quyết được sốt rét ở đây thì sẽ giải quyết được ở các nơi khác”. Câu nói này là của bác sĩ Nguyễn Thọ Viễn - một trong những người được xem là khai sơn phá thạch cho việc nghiên cứu phòng, chống bệnh sốt rét ở đây.

 

Khánh Phú là xã miền núi có đến 99% người dân tộc Raglay. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, dân số vùng này khoảng 1.200 người, nhưng có đến 50% trong số đó mang ký sinh trùng sốt rét. Nghĩa là, có đến 600 người đã và đang bị sốt rét vào thời điểm ấy. Khi thời tiết giao mùa, hầu như đến nhà nào cũng gặp người sốt nằm ly bì. Thói quen tai hại của đồng bào khi ấy là, dù có sốt đến mấy đi nữa thì cũng kiên quyết bám trụ ở nhà, hiếm khi đến trạm y tế để điều trị.

 

Bệnh lại càng có điều kiện gia tăng cả số lượng lẫn mức độ nguy hiểm. Đây từng được xem là vùng rừng thiêng nước độc, ai đến đây rồi cũng phải bị ít nhất một lần sốt rét. Bao nhiêu cán bộ nghiên cứu làm việc tại đây là từng ấy “khách sốt rét” của vùng rừng này. Chọn Khánh Phú chẳng khác nào “húc đầu vào đá” là thế.

 

Vào rừng bắt muỗi

 

Khi thành lập Đội nghiên cứu sốt rét, 20 thành viên trong đội đều là “vật tế thần” hằng đêm cho muỗi. Ông Hải nhớ lại: “Tôi bị sốt rét liên tù tì, vì muốn biết con muỗi nó mang ký sinh trùng sốt rét ra sao thì mình phải tóm cổ nó, mổ xẻ nó ra, soi rọi từng cái lông chân của nó thì mới biết cách mà phòng ngừa và điều trị. Mà muốn tóm được muỗi, không có cách nào khác là để cho nó đốt mình!”.

 

Ông Nguyễn Sơn Hải học khoa Sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra trường năm 1967, về luôn Quỳnh Hợp của Nghệ An rồi “bè bạn” với muỗi từ bấy. Khi lập Đội nghiên cứu sốt rét Khánh Phú này, ông cũng là một trong số những người có mặt đầu tiên. Các đồng nghiệp trẻ tuổi vẫn gọi “bố Hải” quen mặt muỗi hơn là mặt con mình. 66 tuổi rồi mà vẫn còn “hăng” chuyện muỗi như thuở thanh niên.

 

“Vừa phải thức đêm để nhử muỗi bắt về nghiên cứu, ban ngày phải mổ xẻ, ghi chép rồi phân loại, tìm ký sinh trùng sốt rét, được một thời gian, anh nào cũng kiệt sức. Chúng tôi nghĩ ra cách, thuê anh em người Raglay, họ vừa quen thuộc với vùng rừng này, lại có sức đề kháng tốt, lại làm mỗi một việc là bắt muỗi mà vẫn có tiền mua gạo” - ông Hải lý giải cho việc chuyển giao “công nghệ bắt muỗi” từ số cán bộ nghiên cứu sang số thanh niên đồng bào Raglay tại Khánh Phú này.

 

Cơm chiều xong, đúng 18 giờ, chúng tôi lên đường. Ông Hải cẩn thận phát cho tôi chiếc đèn pin quả nhót, vẫn không quên lên dây cót: “Không sao đâu, có phải con muỗi nào nó đốt mình cũng bị sốt rét đâu mà sợ, vả lại, có thuốc phòng đây, lo gì”. Phan Châu Do - 18 năm lăn lộn vùng rừng này, 10 lần sốt rét, nhưng dáng vẫn dềnh dàng như con gấu ngựa, mặc quần soóc, dẫn đường. Đi 10 cây số xe máy thì tới cửa rừng, dưới chân núi Yang Bay.

 

Do quẳng chiếc xe máy cà gỉ nơi cửa rừng, chả thèm ngoái lại, xăm xúi dẫn đường. Anh bảo, bữa nay có 3 nhóm bắt muỗi, chúng ta chỉ có thể đến hai nhóm thôi, nhóm kia ở trái đường, lại xa. Chúng tôi ngược dốc một quãng, qua ánh sáng của đèn pin, tôi giật thột vì bất ngờ nhìn thấy hai người đàn ông, mặc áo sẫm màu, ngồi lù lù trước mặt. Một người đang ăn cơm dưới ánh sáng của chiếc đèn pin quả nhót, người kia cũng cầm đèn pin, mắt chăm chắm nhìn vào hai ống chân để trần, tay kia cầm lọ thủy tinh để “ụp” muỗi nếu thấy con nào bám vào chân.

 

Đây là nhóm Cao Sơn - Cao Mờ Đia. Sơn bắt muỗi từ 18 giờ đến 0 giờ khuya, Mờ Đia thay ca cho đến sáng. Tôi hỏi Sơn: “Đã được con nào chưa?”. “Chưa” - anh ta đáp gọn, mắt không rời mục tiêu. Tôi hỏi anh Do: “Nếu họ về nhà bắt muỗi, sáng mang nộp cho đội để lãnh lương, ai biết được?”. Do cười khà: “Biết chớ! Anh không có chuyên môn nên không biết chứ tụi tôi nhìn “mặt” muỗi, biết nó ở vùng nào liền!”.

 

Lại hỏi: “Vào tận rừng sâu thế này để bắt muỗi thì có nghĩa lý gì?”. Anh Do lý giải: “Bây giờ sốt rét đã giảm đến 80 - 90% rồi. Chỉ còn một loại muỗi chuyên sống trong rừng, hễ đêm đến là mò về các trại trên rẫy để đốt xong lại bay về rừng. Chúng tôi phải bắt loại này để có cách khắc chế bệnh sốt rét. Cũng như phải xin mấy con khỉ của Khatoco Khánh Hòa lên đây nhốt để nhử muỗi, nghiên cứu xem cách lây bệnh từ khỉ sang người ra sao”.

 

Cả nhóm tiếp tục lội suối và leo dốc. Thời điểm trăng non, nhưng trời vẫn tối như mực do phải đi trong rừng già. Lại một nhóm nữa xuất hiện trước mặt. Họ ở trong chòi rẫy của đồng bào. Vẫn một tay cầm đèn pin, tay kia lăm lăm ống thủy tinh, giống như đi nơm cá. Do hỏi: “Được con nào chưa để chụp ảnh coi?”. Cao Liểng - một trong hai người - đáp: “Chưa”. Trên đường về, tôi cứ tự hỏi: “Đêm nay chắc hai nhóm này trắng tay rồi, lấy gì “lãnh lương” vào sáng mai đây?”. Do nói: “Cứ một đêm là 80.000đ, không cần biết bắt bao nhiêu con muỗi, miễn sao tự giác, đừng ngủ gật là được”.

 

“Thịt” muỗi

 

Đúng 6 giờ sáng, cả ba nhóm cùng mang “chiến lợi phẩm” về trụ sở của đội. Cứ tưởng chẳng bắt được con muỗi nào, hóa ra những 20 con. Đội phải trả cho mỗi người 80.000đ, nhân cho 6 người, vị chi 480.000đ, bình quân mỗi con muỗi 24.000đ. Nếu tính trọng lượng để quy ra “thóc” thì muỗi là động vật đắt giá nhất trên đời! Ăn sáng qua quýt, ông Hải, anh Do, anh Hiếu - ba cán bộ nghiên cứu của đội - khẩn trương vào bàn.
 
Bắt muỗi
"Mổ" muỗi

 

Ông Hải phân loại, này là muỗi gần chuồng khỉ, kia là muỗi nhà rẫy... Con nào cũng “nguyên đai nguyên kiện”, không mất cái lông chân nào. Ông Hải nói: “Chỉ cần sứt một cái... ria mép là coi như hỏng, vì nước bọt ngay mép con muỗi sẽ nói lên nhiều điều, trong đó sẽ xác định được con nào mang ký sinh trùng sốt rét, con nào không”.

 

Nghe anh Do giục kết thúc chầu cà phê sáng sớm để vào phòng mổ muỗi, tôi tưởng anh ta đùa. Đã gọi là “bé như muỗi” thì lấy con dao nào mổ được chúng kia chứ? Hóa ra là Do mổ muỗi thật. Rất thuần thục và chuyên nghiệp, Do bơm một ít thuốc gây mê vào lọ có nhốt con muỗi bắt được, muỗi chết lâm sàng, lấy ra đặt lên bàn, rọi qua kính khuếch đại, dùng hai cây kim tiêm và... mổ. Nào “ruột gan phèo phổi” hiện lên qua kính phóng đại, thấy phát... sốt rét luôn! Do nói: “Cả 20 con, không con nào mang ký sinh trùng sốt rét. Cách đây mấy hôm, số muỗi bắt được ít hơn, nhưng có đến hai con mang “mầm” sốt rét”.

 

Mỗi đêm 20 - 30 con muỗi được “dẫn độ” về đội để làm đối tượng nghiên cứu. 19 năm qua, những cán bộ nghiên cứu ở Khánh Phú này đã “húc đầu vào đá” hằng đêm như thế. Và rồi hòn - đá - sốt - rét đã bị khuất phục, đúng như lời tiên tri của vị bác sĩ khả kính Nguyễn Thọ Viễn. Ông đã ra đi cách đây 4 năm, nhưng những đồng nghiệp của ông đã thực hiện trọn vẹn những gì mà ông kỳ vọng từ 20 năm trước.

 

Theo Trần Đăng

 Lao động