Rác thải sinh hoạt không phân loại có thể bị từ chối tiếp nhận
(Dân trí) - Công nhân môi trường có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Thông tư 35 ban hành Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có hiệu lực thi hành từ ngày 3/2.
Thông tư hướng dẫn kỹ lưỡng quy trình kỹ thuật thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết; quy trình kỹ thuật thu gom cơ giới chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến cơ sở tiếp nhận; vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết đến cơ sở tiếp nhận.
Các quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở xử lý chất thải thực phẩm thành mùn, vận hành cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, vận hành cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt thu hồi năng lượng để phát điện cũng được hướng dẫn.
Thông tư 35 yêu cầu phải hỗ trợ, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân bỏ chất thải rắn sinh hoạt vào đúng vị trí trên phương tiện thu gom.
"Có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương hoặc giao chất thải không đúng chủng loại theo lịch trình đã công bố", thông tư nêu rõ.
Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom cho đến khi đạt tải trọng hoặc thể tích lưu chứa tối đa của phương tiện thu gom; sau đó di chuyển về điểm tập kết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, phải đảm bảo tiếp nhận, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo đúng chủng loại, lịch trình được phân công. Không tiếp nhận, vận chuyển chất thải vượt quá tải trọng hoặc thể tích chứa của phương tiện.
"Che phủ kín đối với phương tiện trong trường hợp không có nắp đậy khi di chuyển. Kịp thời khắc phục sự cố trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại và thông báo cho người có thẩm quyền theo quy định", thông tư nhấn mạnh.
Khu vực tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt cần bố trí đủ diện tích cho phương tiện dừng chờ đổ chất thải và phù hợp với khả năng tiếp nhận, công suất xử lý của cơ sở; hạn chế tối đa phát tán ô nhiễm, mùi và xâm nhập của côn trùng.
Việc vận hành cơ sở tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt không vượt quá công suất thiết kế; bảo đảm xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận theo hợp đồng đã ký kết.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 yêu cầu UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12.
Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định".