1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lấy phiếu tín nhiệm là đo xem cán bộ “mặc áo” có vừa không!

(Dân trí) - “Lấy phiếu tín nhiệm là đo xem cán bộ “mặc áo” có vừa không. Qua đó, người mặc áo nên ý kiến ngay nếu thấy áo quá rộng, quá chật để được mặc chiếc áo khác dễ chịu, lịch sự hơn. Đó là văn hóa từ chức”, đại biểu Nguyễn Thị Khá ví von.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Lấy phiếu là phương thức đo xem cán bộ mặc áo có vừa không.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá: "Lấy phiếu là phương thức đo xem cán bộ "mặc áo" có vừa không".
 
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) là người đầu tiên bấm nút phát biểu trong phiên thảo luận về đề án lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sáng nay, 10/11.

Bà Khá nhấn mạnh nguyên tắc tất cả các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn đều phải lấy phiếu. Nhưng bước đầu, mới đi vào thực hiện việc này, chỉ thực hiện trong phạm vi 49 chức danh ở Quốc hội. Đây là những cán bộ phải báo cáo công tác trước Quốc hội, sẽ góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước. Kết quả đánh giá tổng kết cho giai đoạn này là căn cứ để mở rộng diện cán bộ phải lấy phiếu.

Bà Khá so sánh, lấy phiếu là việc làm thường xuyên như cơm phải ăn, nước phải uống hàng ngày, không thể thiếu được nhưng cũng phải ràng buộc để đảm bảo không lạm dụng hoặc lại chỉ làm qua loa cho xong, đều dẫn đến hệ quả không tốt - béo phì hoặc suy dinh dưỡng.

Còn việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, đại biểu ví von như người mặc áo mà lấy phiếu là phương thức đo xem áo có vừa vặn, phù hợp không. “Qua đó, người mặc áo nếu nhận thấy mình được mặc áo quá rộng hay quá chật cũng nên có ý kiến ngay để được bố trí mặc chiếc áo khác vừa vặn với mình cho dễ chịu, thoải mái và lịch sử hơn – đó là văn hóa từ chức” – đại biểu kết lại.

Đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) đồng tình, việc từ chức là biểu hiện nhận thức đúng đắn của cán bộ. Tuy nhiên, với những cán bộ chỉ yên phận thủ thường, ông Tam đặt vấn đề, cũng cần cơ chế triệt tiêu vì sẽ làm giảm ý chí, nhiệt tình của cả bộ máy lãnh đạo nhà nước.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cũng cho rằng, phạm vi người lấy phiếu tín nhiệm quy đến ủy viên Hội đồng dân tộc, các UB của Quốc hội là quá rộng. Nữ đại biểu lo lắng, với trường hợp các đại biểu không chuyên trách, dù là thành viên của UB nào nhưng thời gian dành cho hoạt động này rất hạn chế. Nếu vì thế mà bị đánh giá là tín nhiệm thấp đối với công việc kiêm nhiệm đó cũng không công bằng.

Nếu tổ chức lấy phiếu ở diện cán bộ này, bà Chi cũng lo sự hình thức, tốn kém, không hiệu quả.

Với 49 chức danh do Quốc hội lấy phiếu, đại biểu cũng đề nghị phải cân nhắc vì quy định người lấy phiếu phải báo cáo kết quả công việc, giải trình các chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu. Để nghe hết được những báo cáo, giải trình đó, Quốc hội sẽ phải dành bao nhiêu ngày? - Đại biểu đặt câu hỏi.

Ngược lại, việc đánh giá sẽ liên quan đến sinh mạng chính trị của cán bộ, hoàn toàn không đơn giản. Vậy nên nhất định Quốc hội phải nghe đầy đủ các báo cáo, giải trình này trước khi đưa ra lấy phiếu.

Để dung hòa những yêu cầu đối lập đó, bà Chi cho rằng chỉ nên tập trung vào các chức danh chủ chốt gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Cử tri đánh giá cao chủ trương tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng cũng phê bình Quốc hội chậm thực hiện quy định của Hiến pháp. Cử tri luôn hỏi sao quy định hay như vậy, chủ trương sáng suốt như vậy 10 năm qua không thực hiện, rất khó trả lời. Quốc hội phải kiểm điểm trước cử tri, người dân cả nước về việc chậm thực hiện quy định của Hiến pháp này" - Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đặt vấn đề không phân tách 2 quy trình lấy phiếu và bỏ phiếu vì bản chất đều cùng là để đánh giá mức độ tín nhiệm của cán bộ đối với việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, là 2 bước liên hoàn liên quan trực tiếp với nhau.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh yêu cầu “quy hoạch” đối tượng có trọng tâm, trọng điểm để bỏ phiếu, không để dàn trải. “Chúng ta đề cập nhiều việc kê khai tài sản dàn trải, đầu tư cũng dàn trải, giờ đến việc này cũng dàn trải, không thể có hiệu quả được” – Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế đề xuất xem lại bản Hiến pháp sửa đổi năm 2001 đã “chỉ tên” cụ thể các chức danh chủ chốt phải chịu trách nhiệm báo cáo công việc, trách nhiệm trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cũng kiến nghị thu hẹp phạm vi này, chỉ tiến hành lấy phiếu với một số chức danh là những người có chức trách cao nhất trong bộ máy nhà nước. Tiêu chí lựa chọn cụ thể, theo ông Tường nên “nhắm” tới một vài cán bộ ở những vị trí công việc có diện hoạt động rộng, chi phối nhiều lĩnh vực đời sống xã hội hoặc những người mà đạo đức cá nhân, phẩm chất lối sống có ảnh hưởng rộng tới nhiều người trong xã hội.

Khuôn diện cán bộ như vậy sẽ đảm bảo việc lấy phiếu không bị dàn trải, tập trung có trọng tâm trong phạm vi hoạt động của Quốc hội.

“Nên làm điểm ở những người có thể trở thành gương sáng cho đông đảo cán bộ khác. Xây dựng được những cán bộ mẫu mực sẽ là thu hẹp phạm vi thiếu mẫu mực của những người khác. Đó cũng chính là mục đích của hoạt động lấy phiếu, giám sát cán bộ nói chung” – ông Tường phân tích.
Đại biểu Phan Văn Tường: Cán bộ cấp cao mẫu mực sẽ thu hẹp được phạm vi thiếu mẫu mực ở dưới.
Đại biểu Phan Văn Tường: "Cán bộ cấp cao mẫu mực sẽ thu hẹp được phạm vi thiếu mẫu mực ở dưới".

Về nội dung thể hiện phiếu đánh giá, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) không tán thành đề xuất thiết kế 4 mức (tín nhiệm cao/tín nhiệm trung bình/tín nhiệm thấp/không tín nhiệm). Theo đại biểu, chỉ cần thể hiện 2 mức độ tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, nếu không rất khó để lượng hóa.

“Nếu thiết kế 4 mức, kết quả lấy phiếu cho ra 40% tín nhiệm thấp, 40% cao và 20% rơi vào trung bình thì đánh giá sao?” – bà Khanh hỏi xoáy.

Đại biểu cũng đề nghị xây dựng bộ tiêu chí, bộ câu hỏi để đại biểu trả lời, qua đó “chấm điểm” cho từng mục, từ đó sẽ ra được mức điểm đánh giá về mức độ tín nhiệm hay không. Ngoài ra, bà Khanh đề xuất tổ chức thăm dò ý kiến dư luận xã hội về cán bộ để có thêm thông tin cho đại biểu đánh giá.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đồng tình với đề xuất thiết kế lại nội dung phiếu lấy ý kiến này vì đề ra 4 mức sẽ khó cho đại biểu khi đánh giá tín nhiệm ở mức độ nào. Chỉ để 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm cũng có thể quy đổi ra các mức độ đánh giá sau đó như, có từ 80% tỷ lệ phiếu tín nhiệm trở lên có thể xem là tín nhiệm cao, từ 50% tới dưới 80% có thể xem là tín nhiệm trung bình và thấp hơn 50% là tín nhiệm thấp.

Bà Thanh cũng nêu quan điểm về việc định kỳ, thường xuyên lấy phiếu nhưng mỗi năm chỉ tổ chức 1 lần tại kỳ họp cuối năm, bắt đầu từ năm thứ 2 nhiệm kỳ trở đi. Theo đại biểu, đây là thời điểm phù hợp, đồng thời với việc đánh giá kết quả hoạt động cả năm, đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của mỗi cán bộ.

P.Thảo