“Tôi sẵn sàng cho việc lấy phiếu tín nhiệm”

(Dân trí) – Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là một việc làm bình thường và ông sẵn sàng cho việc này. Ông Cường cũng không ngại đề cập cả trường hợp tín nhiệm thấp khi thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm...

Ngay trước phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về đề án bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao của Quốc hội (ngày 10/11), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường có cuộc trao đổi thẳng thắn về nội dung này với tư cách một thành viên Chính phủ - đối tượng hướng tới trước tiên của việc bỏ phiếu.

Đề án lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm hiện đang nhận được nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều về phạm vi cán bộ được tiến hành lấy phiếu hàng năm. Nhiều chuyên gia cho rằng diện lấy phiếu như đề xuất quá rộng nhưng cũng nhiều đại biểu qua phiên thảo luận tại tổ vừa qua đề nghị mở rộng hơn nữa đến các giám đốc Sở. Quan điểm của cá nhân Bộ trưởng, với tư cách một cán bộ nằm trong diện lấy phiếu ở cấp cao nhất?

Lấy phiếu tín nhiệm là một việc làm bình thường, có thể làm định kỳ hàng năm hoặc giữa kỳ, tùy theo sự cần thiết của vấn đề. Nếu mọi việc đã đi vào nề nếp rồi thì có thể lấy phiếu nửa nhiệm kỳ hoặc cả một nhiệm kỳ. Còn khi bắt đầu tiến hành, mọi việc chưa nề nếp, có thể lấy định kỳ hàng năm,

Phạm vi lấy phiếu tín nhiệm nói chung là những chức danh được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn hoặc được bổ nhiệm đều phải lấy phiếu cả. Vấn đề là tính khả thi thế nào thôi. Làm sao để việc lấy phiếu tín nhiệm phản ánh được thực chất, chứ không phải hình thức. Nếu làm loãng quá, số lượng cán bộ nhiều quá thì không đủ thông tin, dễ rơi vào hình thức.

Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đến Giám đốc Sở tôi hoàn toàn đồng tình.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Nếu tín nhiệm thấp, tôi sẽ từ chức.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: "Nếu tín nhiệm thấp, tôi sẽ từ chức".

Chỉ xét riêng phương án hẹp nhất dự thảo đưa ra về diện cán bộ lấy phiếu ở “cấp 1” (do Quốc hội tổ chức lấy phiếu) đã có 49 chức danh. Nhiều ý kiến cho rằng, mục đích của việc đánh giá tín nhiệm chỉ nên tập trung vào cơ quan hành pháp, vào các thành viên Chính phủ - đối tượng trực tiếp quản lý tài sản, hoạt động hàng ngày liên quan trực tiếp tới người dân?

Không hẳn thế đâu. Đừng nghĩ rằng khu vực tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực chỉ ở chỗ cơ quan điều hành.

Còn việc bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng nên gọi đúng tên của việc này là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Là người hoạt động trong lĩnh vực chuyên về luật, ông nhận xét gì về vấn đề này?

Bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện với cán bộ khi đã có dấu hiệu mất tín nhiệm. Khái niệm bỏ phiếu tín nhiệm khi đó chính là bất tín nhiệm.

Cái này là hệ quả của việc lấy phiếu. Nếu lấy phiếu tín nhiệm cho thấy kết quả thấp thì phải xem xét vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng việc đánh giá tín nhiệm thấp ở đây cũng có nhiều nguyên nhân, có thể do cán bộ đó chưa đủ năng lực trình độ, do phẩm chất đạo đức nhưng cũng có thể do đại biểu bỏ phiếu khi chưa đầy đủ thông tin. Có những lĩnh vực những công việc người ta làm thầm lặng mà đại biểu chưa rõ lắm, giải trình công việc cụ thể hàng năm cũng chưa rõ lắm đã bị bỏ phiếu. Vậy nên việc này phải cân nhắc.

Ý ông là đề án vẫn còn những lỗ hổng, chưa kín kẽ có thể dẫn đến việc “bỏ phiếu… oan” cán bộ?

Trong quy trình, nếu quy định lấy phiếu mà tỷ lệ tín nhiệm dưới 50% đã chuyển sang bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay tôi cho là hơi vội. Chưa kể trong công tác cán bộ, sự lãnh đạo của Đảng là vô cùng quan trọng và chúng ta phải tôn trọng.

Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu kết quả thấp cũng phải cân nhắc mọi bề là phiếu đó đã trúng chưa, đúng chưa, đã khách quan chưa, đầy đủ chưa. Vậy nên mới phải đặt vấn đề kết quả 2 lần lấy phiếu đều thấp mới bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Nhưng theo tôi có vấn đề nữa đặt ra qua việc này là văn hóa từ chức. Một khi người ta thấy thực sự tín nhiệm không được cao, thấy khó có thể khắc phục được những gì tồn tại, yếu kém, người ta xin từ chức thì rất hoan nghênh.

Việc này có khả năng hiện thực không khi chúng ta chưa có tiền lệ. Từ chức chắc chắn là một quyết định nặng nề với cán bộ khi sau đó phải đối mặt với nhiều áp lực như điều tiếng, dư luận, hình ảnh, uy thế với chính gia đình, người thân, dòng tộc của mình?

Tất nhiên là khi đã quyết định từ chức thì đó là vấn đề rất hệ trọng. Tôi cũng nói lại một ý nữa là công tác cán bộ là công tác của Đảng nên còn phải xem ý kiến cơ quan thẩm quyền của Đảng xung quanh chuyện này thế nào. Bởi vì, công việc nhiều khi là do tổ chức phân công, chưa phải người ta được ở nơi phát huy đúng sở trường hoặc đúng sự lựa chọn. Việc phân công như vậy có thể không phù hợp lắm nên công việc không được trôi chảy. Trong hoàn cảnh nào đó buộc phải từ chức người ta cũng cảm thấy khó.

Ngoài ra, đúng là việc này chưa được phổ thông lắm. Nhưng hôm nay giữ chức vụ này, ngày mai không ở chức này thì có thể làm việc khác, dần dần phải làm quen với việc đó. Đến lúc nào đó dân trí cao hơn, trình độ đại biểu cũng cao rồi, thậm chí người ta còn sợ nhận nhiệm vụ. Lúc ấy mới nhiều chuyện hay. Còn hiện tại, có phân công công việc không phù hợp thường người ta vẫn nhận.

Việc này có phải do vấn đề giao quyền quá nhiều nhưng trách nhiệm lại không quy định rõ?

Đúng vậy. Điều đó đòi hỏi thể chế về pháp luật phải rất rõ ràng đối với từng vị trí, chức trách. Nhưng trong bối cảnh phải đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ thì việc phân biệt trách nhiệm cá nhân và tập thể chưa được rành mạch cho lắm. Chúng ta cần nghiên cứu, đào sâu hơn nữa để nguyên tắc tập trung dân chủ vẫn phải tách bạch được trách nhiệm cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Là một thành viên Chính phủ - đối tượng “số một” được nhắm tới cho việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng có lăn tăn gì về việc bị lấy phiếu thường xuyên và có thể cả việc bỏ phiếu… bất tín nhiệm?

Tôi sẵn sàng thôi.

Và trường hợp tỷ lệ tín nhiệm không cao…

Nếu tín nhiệm thấp, tôi sẽ từ chức.
 
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương: “Không phải ngại chuyện “mặc cả” phiếu tín nhiệm”
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Nếu tín nhiệm thấp, tôi sẽ từ chức.
 
Qua tập hợp ý kiến ĐBQH, nhất là tại phiên thảo luận tổ vừa rồi, chúng tôi thấy Đề án đã nhận được sự đồng thuận khá cao, thể hiện mong muốn có đề án để thực hiện được những quy định đã có trong Hiến pháp từ rất lâu mà chưa làm được. Chỉ còn một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm các tiêu chuẩn định lượng hoặc điều chỉnh phạm vi lấy phiếu.
Cũng có nhiều ý kiến đề nghị phiếu tín nhiệm không nên có mục “Không có ý kiến”, vì cho rằng đã làm ĐBQH thì phải có trách nhiệm tìm hiểu, xem xét, cân nhắc rất kỹ để đánh giá đúng các đồng chí cán bộ được đánh giá tín nhiệm. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, phiếu tín nhiệm sẽ để 3 mức: tín nhiệm cao/ trung bình/ thấp.
 
Vừa rồi cũng có dư luận đặt vấn đề e ngại sẽ có việc “mặc cả” bằng phiếu tín nhiệm với nhân sự giữ các chức danh được QH và HĐND bầu, nhưng tôi nghĩ sẽ khó có chuyện đó. Đã làm ĐBQH là phải đáp ứng những tiêu chuẩn của ĐBQH. ĐBQH phải xem xét nghiêm túc tất cả các vấn đề, trong đó có phân bổ ngân sách, trên quan điểm lấy lợi ích chung của quốc gia làm trọng. Không thể có chuyện vì lý do cảm tính nào đó hay vì lợi ích cục bộ của địa phương mình mà lại bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho Bộ trưởng, trưởng ngành không đáp ứng những yêu cầu bất hợp lý của mình.
 
P.Thảo (thực hiện)
Ảnh: Việt Hưng