1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lãnh đạo phải biết về Công nghệ thông tin

(Dân trí) - Đó là đề nghị của đại biểu Nguyễn Lân Dũng, tỉnh Đăk Nông. “Nếu mỗi đại biểu Quốc hội có một máy tính trước mặt thì chúng ta khỏi phải tốn hàng chục tấn tài liệu như hiện nay”, ông khẳng định trong buổi thảo luận về dự án luật Công nghệ thông tin ngày 23/5.

Bàn về vai trò của CNTT, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cần phải xác định được ngành công nghiệp CNTT sẽ đem lại tăng trưởng như thế nào cho GDP của đất nước. “Tôi thấy trong luật này chưa toát lên được hướng đi rõ ràng”, và ông đặt hàng loạt câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm giàu thêm cho đất nước bằng CNTT theo hướng nào? cụ thể ra sao? đầu tư như thế nào?...”, ông cũng nêu một ví dụ đó là ở Đài Loan, họ đã đi lên bằng con đường sản xuất các "chíp" điện tử để cung cấp cho Nhật Bản, Mỹ.

 

Vai trò của CNTT là không có gì để bàn cãi, tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào đời sống vẫn gặp nhiều khó khăn. “Nếu mỗi đại biểu Quốc hội có một máy tính trước mặt thì chúng ta khỏi phải tốn hàng chục tấn tài liệu như hiện nay”, đại biểu Dũng ví dụ và nhận định: “Việc cải cách hành chính đến mức mỗi đại biểu Quốc hội có một cái máy tính trước mặt cho thấy rằng có thể cải tiến rất nhiều việc thông qua CNTT”.

 

Nói về những tiêu cực trong lĩnh vực sử dụng CNTT, đại biểu Dũng đặt câu hỏi: Chúng ta có nhìn thấy nguy cơ một bộ phận rất lớn thanh niên lao vào chơi game bỏ cả học, bỏ cả lý tưởng phấn đấu của mình hay không? “Tôi đề nghị trong luật cần tỏ thái độ, quan điểm rõ ràng để đối phó với tình hình game online lan tràn như hiện nay”, ông đề xuất.

 

Theo đại biểu Dũng, nên đưa tiêu chí lãnh đạo phải hiểu biết CNTT vì không hiểu biết CNTT thì không làm lãnh đạo được trong thời buổi hiện nay.

 

Về qui định sử dụng tên miền, khi thiết lập trang thông tin điện tử phải thông báo cho Bộ Bưu chính Viễn thông, đại biểu Đào Văn Hưng (Sơn La) nói: “Ban soạn thảo đã bỏ cụm từ "đăng ký" để chuyển sang "thông báo". Tuy nhiên, việc này cũng không cần thiết, vì sẽ mất thời gian phải nhập 5 loại dữ liệu theo quy định”. Ông Hưng tính toán: “Việt Nam sẽ có khoảng 40 triệu người sử dụng và cứ mỗi người mất 2 phút cho việc truy cập vào dữ liệu. Như vậy, chúng ta sẽ mất khoảng 160.000 ngày, nếu tính mỗi ngày làm việc 8 giờ và mỗi năm làm việc 280 ngày là đã  mất 572 năm”.

 

TS. Mai Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Khoa học Công nghệ cũng cho rằng,  nên qui định các tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập trang thông tin điện tử và chịu trách nhiệm về nội dung hoạt động, chúng ta quản lý nội dung, quản cái quan trọng mà thôi.

 

Điện ảnh: Lịch sử không đồng nhất với sự thật

 

Luật điện ảnh dược đưa ra thảo luận cũng khiến nghị trường sôi nổi bởi rất nhiều ý kiến. Ngay cả khái niệm thế nào là “điện ảnh” cũng còn có quan điểm không thống nhất với dự thảo luật.

 

Việc “đánh đồng” điện ảnh là phim nhựa, phim Video, phim truyền hình, phim tài liệu…theo một số đại biểu, là điều đó gây khó khăn khi thực hiện một số điều trong luật. Ví dụ luật qui định, phim sử dụng ngân sách nhà nước phải có ý kiến Hội đồng thẩm định, chọn doanh nghiệp sản xuất phim theo qui định của luật đấu thầu… Đại biểu Vũ Văn Hiến TGĐ Đài THVN phân tích, qui định này áp dụng với phim truyện nhựa có giá hàng tỉ đồng thì phù hợp, nhưng với phim truyền hình, phim tài liệu thì hoàn toàn không có tính khả thi… Ông ví dụ: “Nếu bây giờ lãnh đạo đài truyền hình Đà Nẵng lệnh cho PV đi làm bộ phim tài liệu về những nạn nhân của cơn bão Chanchu mà phải lập Hội đồng thẩm định, rồi đấu thầu thì ra làm sao?”.

 

Nhận xét về qui định: “Nghiêm cấm xuyên tạc sự thật lịch sử”, nhà sử học Dương Trung Quốc không tán thành, vì theo ông, lịch sử không đồng nhất với sự thật, ví dụ như hình ảnh bộ đội ta cắm cờ trên nóc hầm tướng Đờcát là do đại diễn Các-men dựng lại vài ngày sau chiến thắng, tuy nhiên nó lại có tính lịch sử rất cao.

 

Còn đại biểu Trần Khánh Chương thì lo lắng việc qui định quá cụ thể những điều bị cấm trong hoạt động điện ảnh sẽ làm ảnh hưởng đến sự sáng tạo nghệ thuật. Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đồng tình với ý kiến này và khẳng định, điều này không chỉ làm khó cho các nhà sản xuất mà còn dễ dẫn đến những tiêu cực trong khâu kiểm duyệt phim khi mà những qui định này đôi khi không thể định hình được. “Qui định là không được sử dụng hình ảnh khỏa thân nhưng thực tế có khi khỏa thân rất nghệ thuật nhưng đôi khi ăn mặc kín đáo nhưng lại rất tục tĩu”, ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

 

Đức Hòa