1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Lãnh đạo là phải chấp nhận những nhận xét gai góc, thậm chí sai lệch về mình”

(Dân trí) - Liên quan đến việc tỉnh An Giang xử lý kỷ luật, phạt tiền 5 triệu đồng đối với 2 cán bộ vào Facebook nhận xét khuôn mặt Chủ tịch tỉnh này là “kênh kiệu”, đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định đã là lãnh đạo thì phải chấp nhận những nhận xét gai góc, thậm chí sai lệch về mình. Việc xử lý như vậy dễ tạo thành hiệu ứng tiêu cực.

 

Tôi không tâm phục cái người lãnh đạo ứng xử với người dân, cấp dưới như vậy- Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Thế Kha).
"Tôi không tâm phục cái người lãnh đạo ứng xử với người dân, cấp dưới như vậy"- Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Thế Kha).

 

Phóng viên: Ông bình luận thế nào về việc tỉnh An Giang xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với hai cán bộ vì lên Facebook nhận xét Chủ tịch tỉnh này là “nhìn cái mặt kênh kiệu...”?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi chưa thấy có luật nào quy định nói xấu lãnh đạo khác với nói xấu người dân thường. Nếu xúc phạm cá nhân thì phải xử lý tất cả, chứ ở đây lại đưa ra hoàn cảnh là trước đại hội.

Người lãnh đạo phải biết lắng nghe, phải chấp nhận những nhận xét gai góc, thậm chí sai lệch về mình. Việc đầu tiên trong trường hợp đó là hãy soi vào mình. Công chúng - những người đọc cái đó - sẽ phán xét đúng hay sai như thế nào.

Nếu xử lý bằng hành chính thì phải đúng luật. Đúng luật thì mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Thế nên tôi cho rằng việc này là không đáng làm, không nên làm.

Cụ Hồ đã nói khái niệm “dân chủ” rất dân dã rằng dân chủ làm sao cho dân mở miệng. Cái sợ nhất là dân không thèm nói, không thiết nói nữa. Cái đó là cái nguy hiểm nhất.

Đừng để dân sợ mà không nói. Nhưng nguy hiểm nhất là đừng để dân chán mà không tha thiết, không gắn bó với cái sự lãnh đạo của anh nữa.

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang dẫn ra một số quy định của pháp luật cho rằng việc hai cán bộ nhận xét khuôn mặt Chủ tịch tỉnh An Giang “kênh kiệu” là vi phạm việc truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác. Theo ông, chỉ nhận xét “nhìn cái mặt kênh kiệu” đã là “xúc phạm uy tín danh dự người khác”?

Tôi chưa thấy có một sự vu khống nào ở đây cả. Đây chỉ là cảm nhận của người ta thôi. Có thể bất nhã trong ứng xử, nhưng đó chỉ là giao dịch dân sự. Hãy để người dân đánh giá lời nhận xét đó đúng hay không đúng bằng cách người lãnh đạo gần dân hơn, thân thiện với người dân hơn. Đó là cách làm khôn ngoan hơn, còn xử lý thế chả giải quyết vấn đề gì cả.

Người dân nhận xét, bình luận như vậy trên Facebook xuất phát từ việc báo chí phản ánh kết luận của Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Việc tỉnh An Giang kỷ luật, xử phạt hành chính trong trường hợp này dễ trở thành tiền lệ tiêu cực để lãnh đạo các địa phương, ban ngành khác không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm và bị người dân đánh giá, nhận xét trên mạng xã hội cũng lập tức đề nghị xử lý kỷ luật, phạt tiền, thưa ông?

Từ câu chuyện này, tôi cho rằng các cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc xem việc An Giang làm như vậy đúng hay sai? Không thể tùy tiện để các địa phương làm theo, bởi như bạn nói nó sẽ có hiệu ứng tiêu cực trong xã hội.

Tôi đọc chả thấy có gì bôi nhọ, bôi xấu cả. Có thể ngôn từ bất nhã nhưng chả có gì để biến nó thành xử lý như thế cả. Điều đó không thuyết phục tôi. Tôi không tâm phục cái người lãnh đạo ứng xử với người dân, cấp dưới như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)