Lãnh đạo Bộ GTVT “vênh nhau”, khu công nghiệp “chới với”
(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra quan điểm “vênh nhau” trong việc xử lý phần đất xen kẹt giữa dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ và dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, trong khi TP Hà Nội khẳng định việc quy hoạch tuyến đường gom gây khó khăn cho phương tiện giao thông, khó thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp.
Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan có ý kiến về kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải xung quanh việc xử lý phần đất xen kẹt giữa dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ và dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội gây ồn ào trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Đường gom cao tốc bị... cụt, khó khăn cho các phương tiện giao thông
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm Quyết định 1259/2011 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ việc hình thành và phát triển Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội là động lực quan trọng để góp phần phát triển đô thị vệ tinh Phú Xuyên-một trong 5 đô thị vệ tinh, nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.
Khu công nghiệp này sẽ là “địa chỉ vàng” để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao vì đây là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và có vai trò quan trọng trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, lao động từ các vùng lân cận vào Hà Nội.
Năm 2012, trong quá trình giải phóng mặt bằng, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G đã ứng vốn hàng chục tỷ đồng để huyện Phú Xuyên đền bù cho người dân tại khu đất 20,5 m tiếp giáp cao tốc 1B Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Tuy nhiên khu công nghiệp không được sử dụng khu đất này vì nằm trong quy hoạch xây dựng đường gom thuộc Dự án cải tạo nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Mặc dù tại đây có quy hoạch đường gom phạm vi 20,5 m và phải xây dựng đường gom nhưng Bộ GTVT chưa đưa vào phạm vi dự án Pháp Vân- Cầu Giẽ. Chính vì thế, việc xây dựng đường gom hiện trạng đang dẫn tới câu chuyện “đường gom cụt”, gây ra khó khăn cho các phương tiện giao thông ra vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.
Để hỗ trợ phát triển Khu Công nghiệp Nam Hà Nội, tháng 7/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã ký văn bản số 8467/BGTVT-CQLXD gửi UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh tuyến đường gom đoạn qua khu công nghiệp Nam Hà Nội- dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ (giai đoạn 2).
Trong văn bản này, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G liên quan đến việc điều chỉnh đường gom nằm ngoài phạm vi xây dựng dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ. Vì vậy để có cơ sở chỉ đạo nhà đầu tư, tư vấn nghiên cứu điều chỉnh thiết kế (nếu cần) cho phù hợp với quy hoạch của TP Hà Nội, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát quy hoạch có liên quan và xem xét có ý kiến về nội dung kiến nghị của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển N&G.
Làm rõ quan điểm trái ngược, khó khăn thu hút đầu tư
Sau khi nhận được văn bản của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội chủ trì các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh tuyến đường gom thuộc cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ đoạn qua Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1.
Cuối tháng 12/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ GTVT cho rằng đoạn từ Km211+256 đến hết phạm vi khu công nghiệp chưa có đường gom, chưa có phương án kết nối giữa Khu công nghiệp Nam Hà Nội với đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ.
“Vì vậy, khó khăn cho các phương tiện giao thông ra vào khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, khó khăn trong công tác kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp, giảm hiệu quả đầu tư dự án xây dựng nâng cấp mở rộng đường nhánh nối Quốc lộ 1A với đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, đoạn qua khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội”- văn bản của TP Hà Nội nêu rõ.
Để đảm bảo kết nối hạ tầng dọc tuyến với đường gom của tuyến đường Pháp Vân- Cầu Giẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư tuyến đường gom theo chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt với mặt cắt ngang B=20,5m trên toàn tuyến.
Đồng thời nghiên cứu tổ chức lại giao thông tại nút giao Đại Xuyên để các phương tiện lưu thông trên làn đường cao tốc từ Ninh Bình hướng về trung tâm Hà Nội có thể rẽ ra Quốc lộ 1A cũ xuống khu vực Thường Tín, Phú Xuyên.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển N&G cũng đề xuất điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường gom thuộc đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ đoạn qua Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 hiện tại từ 10m lên thành 20,5m; điều chỉnh chiều dài tuyến đường gom từ điểm đầu (Km210+740 giáp tỉnh lộ 428) đến điểm cuối dự án tại vị trí Cầu Giẽ vượt đường sắt để phát huy hiệu quả sử dụng đất xen kẹt thuộc hành lang bảo vệ giao thông và giúp việc đi lại của người dân địa phương thuận lợi.
Tuy nhiên, tháng 4/2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật lại có văn bản khẳng định hiện nay đoạn qua Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội không có nút giao lớn nên lượng phương tiện sử dụng đường gom không thay đổi nhiều so với đoạn trước đó. Việc mở rộng đường gom thành quy mô 20,5m ngay là không phù hợp và không cần thiết.
“Việc mở rộng quy mô, kéo dài đường gom nằm ngoài phạm vi dự án theo quy định và sử dụng kinh phí của dự án là không phù hợp. Đề nghị TP Hà Nội nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí phù hợp để triển khai đối với hạng mục này”- văn bản của Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.
Tại sao lãnh đạo Bộ GTVT lại có quan điểm “vênh nhau”, trái chiều như vậy trước lợi ích thiết thực cho người dân đi lại thuận lợi và doanh nghiệp thu hút đầu tư tốt cho ngành công nghiệp hỗ trợ đang được Nhà nước quan tâm?.
Theo nguồn tin của PV Dân trí, Bộ GTVT đang tiến hành làm rõ về quan điểm chỉ đạo trái ngược nhau xung quanh việc chỉ đạo giải quyết xử lý phần đất xen kẹt giữa dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ và dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội đang thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp.
Thế Kha