1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lâm tặc đã “qua mặt” được kiểm lâm?

(Dân trí) - Trong những cuộc đối đầu giữa lực lượng kiểm lâm Võ Nhai (Thái Nguyên) và “nghiến tặc” ở Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng, không ít lần súng đã nổ. Vì món lợi quá lớn, lâm tặc ngày càng manh động, liều lĩnh còn lực lượng kiểm lâm dường như bất lực.

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có diện tích hơn 17.000 ha rừng đặc dụng, nằm trên núi đá vôi của 6 xã phía bắc huyện Võ Nhai - Thái Nguyên. Khu bảo tồn có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, có động thực vật tự nhiên rất phong phú và đa dạng. Khu bảo tồn còn có hệ thống hang động, di tích lịch sử - khảo cổ học đặc biệt của Việt Nam, là cái nôi của người Việt cổ.

Thế nhưng, sự hoành hành của lâm tặc trong suốt một thời gian dài đã khiến những khu rừng đặc dụng bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều vùng trở thành điểm nóng nhức nhối của nạn phá rừng như tại xã Nghinh Tường. Khó khăn lớn nhất trong công tác đấu tranh truy quét lâm tặc tại đây là sự trà trộn của lâm tặc vào người dân. Khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng mới được thành lập trong khi người dân địa phương gồm chủ yếu là người Tày, Nùng đã định cư trong rừng từ bao đời nay.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra tại BKT Thần Sa Phượng Hoàng.
Lực lượng kiểm lâm tuần tra tại BKT Thần Sa Phượng Hoàng.
Lực lượng kiểm lâm tuần tra tại BKT Thần Sa Phượng Hoàng.

Để quản lý một diện tích rừng lên đến hơn 17.000ha với nhiều loại gỗ quý, Ban quản lý và Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiền nhiên Thần Sa Phượng Hoàng chỉ có 38 cán bộ chiến sĩ. Trong đó, tổ kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng với nhiệm vụ bao quát toàn khu vực chỉ có 5 người, được trang bị 1 khẩu súng AK, 1 khẩu súng bắn đạn cay, gậy điện và bình xịt.

Anh Hứa Văn Tiến - Tổ trưởng Tổ kiểm lâm cơ động Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng - cho biết: Để đối phó với lực lượng kiểm lâm, đội “chim lợn” của lâm tặc được bố trí dày đặc. Chúng cắt cử người theo dõi ngay tận trụ sở Hạt Kiểm lâm. Mọi nhất cử nhất động của Hạt, nhất là những khi đoàn kiểm tra xuất phát, chúng đều nắm được. Đặc biệt, tổ cơ động có 5 người luôn nằm trong “tầm ngắm” của “chim lợn”.

Các đối tượng vận chuyển gỗ lậu chỉ xuất phát khi “chim lợn” báo đã thấy đủ tổ cơ động. Chính vì vậy, mỗi khi lập kế hoạch mai phục bắt gỗ lậu trên đường, tổ cơ động phải đánh lạc hướng đội “chim lợn” của lâm tặc. “Mấy anh em trong đội phải lừa tai mắt của chúng bằng cách đánh xe xuống TP Thái Nguyên cất xe, rồi thuê xe tải, nấp trong thùng xe đi vào cung đường gỗ lậu tại Nghinh Tường. Khi đến đúng điểm đã định sẵn, xe đi chậm lại, anh em bất ngờ nhảy xuống bụi cây ven đường mật phục. Khi phát hiện lâm tặc chở gỗ, lực lượng kiểm lâm đợi đến thời điểm khoảng cách đã áp sát mới đồng loạt xông ra chặn các đối tượng. Nhưng trong trường hợp này, các đối tượng thường vứt xe và gỗ bỏ chạy.

Tại những điểm nóng, chim lợn thường xuyên xuất hiện báo tin cho lâm tặc.
Tại những điểm nóng, chim lợn thường xuyên xuất hiện báo tin cho lâm tặc.
Tại những điểm "nóng", "chim lợn" thường xuyên xuất hiện báo tin cho lâm tặc.

Khi vận chuyển gỗ, lâm tặc đều sử dụng loại xe “ớt” chế không giấy tờ, không BKS. Bên thành xe của chúng bao giờ cũng có 1 con dao quắm. Gỗ chỉ được buộc bằng một sợi thừng. Vì vậy, khi bị truy đuổi, nếu biết khó “ăn hàng”, chúng lừa khi xe kiểm lâm áp sát sẽ rút dao chặt đứt dây thừng. Gỗ bung xuống đường. Nhiều cán bộ kiểm lâm đã trọng thương với “chiêu” này của nghiến tặc.

Một cán bộ kiểm lâm cho biết, trước đây lâm tặc vứt cả xe lẫn gỗ để tháo chạy là chuyện thường tình. Nhưng bây giờ lâm tặc thà vứt bỏ gỗ chứ “sống chết” phải giữ xe để còn tiếp tục hành nghề.

Gần đây nhất, ngày 5/4/2012, khi lực lượng kiểm lâm nhận được nguồn tin có 3 lâm tặc đang chuyển gỗ từ rừng ra bản Trang - Nginh Tường, lập tức tổ công tác lên đường truy bắt. Khi ập đến, tổ công tác bắt quả tang 3 đối tượng vận chuyển 15 thanh gỗ trên 3 xe máy. Vừa thấy bóng dáng kiểm lâm, 3 đối tượng vứt cả gỗ và xe bỏ chạy. Nhưng chưa đầy 5 phút sau, trong lúc tổ công tác đang tiến hành lập biên bản thì 3 lâm tặc cùng hơn 40 đối tượng với đủ loại hung khí hùng hổ xuất hiện, tổ chức một vụ cướp hết sức manh động và liều lĩnh.

Một điểm tập kết gỗ của lâm tặc trong BKT Thần Sa Phượng Hoàng đã bị lực lượng kiểm lâm triệt phá.
Một điểm tập kết gỗ của lâm tặc trong BKT Thần Sa Phượng Hoàng đã bị lực lượng kiểm lâm triệt phá.

Một đối tượng đã dùng dao chém đứt dây chằng gỗ, cướp đi một chiếc xe máy bỏ chạy. Anh Vũ Thế Cường - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thần Sa - Phượng Hoàng nổ súng chỉ thiên nhưng đối tượng Trịnh Văn Được vẫn hung tợn lao vào cướp một chiếc xe khác. Cán bộ kiểm lâm Ngô Hồng Văn nổ súng chỉ thiên thêm một lần nữa nhưng lâm tặc lì lợm bất chấp. Phải đến khi một kiểm lâm buộc lòng bắn vào chân một lâm tặc, đám đông hỗn loạn mới tạm chùng xuống.

Với hành động cướp xe vô cùng manh động như vậy nhưng sau đó đối tượng Trịnh Văn Được chỉ bị xử phạt hành chính. Nửa tháng sau đó, đối tượng Được lại ngang nhiên huy động hàng chục tên lưu manh tới ném gạch đá như mưa vào trạm kiểm lâm Nghinh Tường giữa đêm khuya. “Chế tài xử phạt lâm tặc còn quá lỏng lẻo. Ngay cả việc sử dụng vũ khí với các đối tượng cũng không hề đơn giản. Không hiếm trường hợp cán bộ kiểm lâm giơ súng trấn áp, lâm tặc hùng hổ xé toang cả áo ngực thách thức. Cuộc chiến giữa kiểm lâm với “nghiến tặc” vì thế đã gian nan lại không cân sức”, anh Hứa Văn Tiến chia sẻ.

Gỗ nghiến cắt khúc và phượng tiện vận chuyển của lâm tặc bị thu giữ.
Gỗ nghiến cắt khúc và phượng tiện vận chuyển của lâm tặc bị thu giữ.
Gỗ nghiến cắt khúc và phượng tiện vận chuyển của lâm tặc bị thu giữ.

Làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên - thừa nhận những thông tin báo điện tử Dân trí đã phản ánh là thực trạng đáng buồn và là những tồn tại đang được các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết.

Ông Hải cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, do sự truy quét quyết liệt của các lực lượng chức năng, những đầu nậu gỗ từng “làm mưa làm gió” tại Thái Nguyên như Hiếu "khỉ", Sơn Viễn, Phương Thủy…đã phải từ bỏ việc tiếp tay cho lâm tặc. Hiện chỉ còn những đầu nậu gỗ nhỏ lẽ. Các đầu nậu này bỏ tiền thuê những đối tượng cộm cán, côn đồ, nghiện hút… luồn sâu vào lõi rừng lập lán triệt hạ những cây gốc quý rồi vác bộ đến điểm tập kết bí mật. Gỗ được đưa xuống cung đường vận chuyển bằng nhiều phượng tiện từ vác bộ, ngựa thồ hay dùng các loại xe chế…”.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên 
Ông Nguyễn Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên thừa nhận những thông tin báo điện tử Dân trí đã phản ánh là có thật.

Nhiều vụ cán bộ kiểm lâm thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí là “bắt tay” với lâm tặc phá rừng cũng đã bị xử lý. Tại điểm nóng nghiến tặc hoành hành ở xã Nghinh Tường, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường Ngô Hồng Văn đã bị luân chuyển sang khu vực khác. 2 cán bộ kiểm lâm đã bị xử lí tại Trạm kiểm lâm Sàng Mộc gồm: Trạm trưởng Nguyễn Công Thông bị khiển trách, cán bộ kiểm lâm Đinh Văn Thông bị cảnh cáo. Trước đó, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hợp Tiến Phạm Văn Cường, thuộc Hạt Kiểm lâm Đại Từ, cũng đã bị cách chức vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.

“Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng đường dây nóng: 0280 385 5369 để người dân cung cấp thông tin khi phát hiện tình trạng phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép”, ông Hải cho biết thêm.

Theo báo cáo của UBND huyện Võ Nhai, từ năm 2006 đến năm 2010, số vụ lâm tặc bị bắt giữ ngày càng tăng. Cụ thể: năm 2006, trên địa bàn huyện Võ Nhai có 393 vụ vi phạm hành chính, tịch thu 256,34m3 gỗ; Năm 2009 có 463 vụ vi phạm, tịch thu 207,83m3 gỗ; năm 2010, số vụ vi phạm tăng lên tới 592 vụ, tịch thu 305,594m3 gỗ. Trong năm 2011, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã tổ chức kiểm tra, bắt giữ được tổng số 112 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Riêng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, 6 tháng đầu năm 2012, Hạt Kiểm lâm tại đây đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 123 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, 13 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 1 vụ phá rừng trái phép, 51 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 53 vụ cất giữ lâm sản trái pháp luật, 4 vụ mang công cụ cơ giới vào rừng…Tổng khối lượng lâm sản bị tịch thu (quy tròn): 390,178m3. Trong đó, gỗ tròn các loại là 312,657m3, gỗ xẻ các loại là 48,451m3, tịch 6 cưa xăng, 52 xe máy… Điều đó thể hiện thực trạng lâm tặc “hút máu” rừng già vẫn chưa hề được ngăn chặn có hiệu quả. Và hoạt động của “lâm tặc” cũng ngày càng manh động và trắng trợn hơn.

Anh Thế - Quốc Đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm