Dự án hồ chứa nước Ka Pét "lấy" hơn 600ha rừng: Chưa được duyệt ĐTM
(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ của UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho Dự án hồ chứa nước Ka Pét đang ồn ào.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, UBND tỉnh Bình Thuận đã có hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham vấn cộng đồng.
Từ ngày 19/7 đến 3/8 vừa qua, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường (www.monre.gov.vn) đã công khai toàn văn báo cáo ĐTM dự án này để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
"Việc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ là một trong các hình thức tham vấn ĐTM của dự án. Chủ dự án còn phải thực hiện các hình thức tham vấn khác, sau đó tổng hợp thông tin, tiếp thu, giải trình các vấn đề trước khi gửi hồ sơ tới Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị phê duyệt ĐTM", một nguồn tin cho hay.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ, báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị phê duyệt ĐTM cho dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Hồ sơ ĐTM cho thấy, Dự án hồ chứa nước Ka Pét có chủ đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận được giao làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án bao gồm công trình hồ chứa nước, các công trình đầu mối và hệ thống các kênh thuộc địa phận xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam.
Dự án cách thành phố Phan Thiết khoảng 22km về phía Tây Bắc, cách TPHCM khoảng 140km về phía Đông.
Tại báo cáo ĐTM, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tổng diện đất cần sử dụng trong quá trình xây dựng công trình hồ chứa nước Ka Pét (bao gồm các công trình đầu mối và hệ thống kênh) là 697,73ha.
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án trên 874 tỷ đồng - so với Nghị Quyết số 93/2019/QH14 đã được Quốc hội phê duyệt, tổng mức đầu tư tăng thêm 288,442 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng.
Nhiều tác động tới môi trường
Trong báo cáo ĐTM gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư dự án đã nêu ra nhiều vấn đề tác động đến môi trường và xã hội khi xây dựng công trình.
Trong đó thừa nhận diện tích đất rừng các loại tương đối lớn, vì vậy quá trình triển khai xây dựng chủ đầu tư phải xem xét kỹ, đầy đủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật để chuyển nhu cầu sử dụng đất rừng sang đất phục vụ công trình.
Chính quyền địa phương phải thông báo đến từng hộ dân về việc nhà nước đầu tư xây dựng công trình. Nghiêm cấm nhân dân phát triển sản xuất trong vùng lòng hồ, để giảm chi phí đền bù sau này.
Tổng diện đất cần sử dụng trong quá trình xây dựng công trình hồ chứa nước Ka Pét là 697,73ha, trong đó diện tích sử dụng đất rừng là 679,72ha (đất có rừng là 619,58ha, đất rừng nhưng không có rừng là 60,14ha), còn lại hơn 18ha là đất sản xuất nông nghiệp.
"Như vậy, đây là diện tích đất sẽ bị thu hồi để phục vụ công tác xây dựng dự án. Trong phần diện tích đất này không có các công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, chỉ có khoảng 20 ngôi mộ nằm trong vùng ngập lòng hồ", báo cáo ĐTM cho hay.
Báo cáo ĐTM cho rằng việc giảm diện tích đất rừng tự nhiên sẽ làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên (khu vực cư trú, đường đi tìm thức ăn của các loại sinh vật). Điều này có ảnh hưởng lớn đến quần cư của các loài động vật hoang dã. Một nguy cơ có thể xảy ra, là tăng khả năng tiếp cận của dân địa phương, dân săn trộm, công nhân xây dựng vào các vùng sâu hơn.
Về lâu dài việc mất rừng sẽ mang lại những hệ lụy vô cùng lớn: Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn,… ngày càng nghiêm trọng do tình trạng rừng bị tàn phá. Vì vậy, đối với dự án cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và phương án trồng rừng thay thế phù hợp.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp), sẽ làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cũng như làm thay đổi chất lượng đất, làm giảm khả năng tái tạo, phục hồi môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực (tác động dài hạn).
Việc xây dựng hồ chứa làm dâng cao mực nước ngầm ở khu vực xung quanh hồ, song vấn đề này sẽ thúc đẩy sự phát triển của cây cối, góp phần cải tạo vi khí hậu.
Bên cạnh đó, do lượng nước dự trữ toàn lưu vực tăng và được bảo tồn thường xuyên trong hồ chứa sẽ tác động đến chất lượng đất: Độ ẩm đất vùng ven hồ trong mùa khô tăng đáng kể, dự kiến từ 10-15%. Lượng mưa rơi trên lưu vực có thể tăng….
Báo cáo ĐTM được gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra các biện pháp giảm thiểu đối với hệ sinh thái gồm: Thiết lập và thực hiện kế hoạch bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, dọn lòng hồ, quản lý nguồn thải nhằm giữ vệ sinh vùng hồ; thiết lập phương án trồng rừng thay thế.
Ngoài ra, cần tăng cường lực lượng kiểm lâm, tuần rừng để giảm thiểu áp lực, phòng ngừa hoạt động khai thác gỗ trái phép, săn bắn, … và tiếp tục áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các hoạt động trái phép trong rừng. Thực hiện chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho dân địa phương và cho công nhân xây dựng…
Được biết, theo quy định hiện hành, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, phê duyệt ĐTM dự án trong thời gian 45 ngày.
Chiều mai 7/9, Bình Thuận họp báo thông tin về dự án
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết trước những thông tin trái chiều về việc thực hiện xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức họp báo vào chiều 7/9.
Tại buổi họp báo, tỉnh Bình Thuận sẽ thông tin đầy đủ dự án hồ chứa nước Ka Pét, ý nghĩa của việc thực hiện dự án và tiến độ thực hiện dự án với đại diện UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm...