1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ký sự đường 7: Con đường hào hùng một thời “đỏ lửa”

(Dân trí) - Con đường 7 được xem như “chứng nhân lịch sử” trong chiến dịch Tây Nguyên. Trải qua 45 năm, những dấu tích chiến tranh đã nhạt nhòa nhưng không khí hào hùng một thời vẫn còn vang vọng.

Trở lại chiến trường đường 7 năm xưa (nay là quốc lộ 25, tỉnh Gia Lai), chúng tôi lần theo những địa danh: đèo Tô Na, cầu Cây Sung, cầu Sông Bờ… nơi đã gieo rắc nỗi kinh hoàng và chết chóc cho kẻ thù. Vùng đất ấy giờ đây đang vươn mình trỗi dậy, người dân ấm no, xây dựng kinh tế.

Mặt trận ác liệt trên đường 7

Đầu tháng 3/1975, cả Tây Nguyên rạo rực trong không khí giải phóng, bộ đội ta giành áp đảo và giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975). Bị đánh trúng “tử huyệt”, hơn 15 nghìn tàn quân của chế độ Sài Gòn ở Tây Nguyên từ tỉnh Đăk Lăk buộc phải rút xuống đồng bằng qua con đường duy nhất là đường 7. Những ngày đỏ lửa ấy, đường 7 đã chứng kiến cảnh tượng dòng người hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau kéo xuống đồng bằng.

Năm 2016, trên đường đi công tác tại thị xã Ayun Pa (Gia Lai), chúng tôi từng gặp người cựu chiến binh Vũ Xuân Mân (nguyên là Chính trị viên Huyện đội H11 huyện Phú Thiện - Ia Pa, nay thuộc tỉnh Gia Lai), là người đã trực tiếp tham gia nhiều trận chiến trên con đường 7 thời đó. Năm 2016, ông Mân đã 83 tuổi, ông kể cho chúng tôi nghe những ký ức hào hùng về trận truy kích địch lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương trên đường 7.

Ký sự đường 7: Con đường hào hùng một thời “đỏ lửa” - 1

Ông Vũ Xuân Mân, người đã chiến đấu trên con đường 7 năm 1975 (Ảnh chụp năm 2016).

Lúc đó, đường 7 là mặt trận ác liệt nhất. Liên tiếp những trận truy kích địch trên đoạn đường dài chừng 10km từ cầu Sông Bờ đến chân đèo Tô Na thuộc địa phận thị xã Hậu Bổn (tỉnh Phú Bổn cũ, nay là thị xã Ayun Pa, Gia Lai). Đây là đoạn đường “yết hầu”, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu hun hút. Lượng người dân, binh lính và phương tiện quân sự địch ào ạt tháo chạy, chen lấn giẫm đạp lên nhau, tắc nghẽn cả con đường. Bọn ngụy quyền, binh lính địch còn dã man dí súng xua đuổi dân thường đi trước làm bia đỡ đạn nhằm gây sức ép ngăn cản sự truy kích của bộ đội ta, để chúng thoát thân…

Khoảng sáng ngày 18/3/1975, nhiều mũi tiến công lực lượng Sư 320 của ta đã được lệnh nằm ở đường 7 chờ địch. Trong 2 ngày 18 đến 19/3, nhiều trận đánh ác liệt, dữ dội giữa Sư đoàn 320 của ta và quân địch đã diễn ra ở Trại Ngô Quyền, Sân bay Phú Bổn, cầu Sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na…

Sau nhiều trận đánh ác liệt, chúng ta đã đánh sập cầu Sông Bờ nhằm chặn đường thoát của địch. Lúc này, hàng ngàn xe máy và phương tiện quân sự của địch bị dồn ứ từ đèo Tô Na đến cầu Sông Bờ. Quá hoảng loạn, đội hình địch tan tác, chồng chéo lên nhau, khói lửa ngút trời, xác binh lính địch chết “ngổn ngang” trên dòng sông Ba.

Ký sự đường 7: Con đường hào hùng một thời “đỏ lửa” - 2

Cầu Sông Bờ ngày nay.

Lúc đó, đường 7 được xem là “vùng đất chết”, nơi đặt dấu chấm hết cho toàn bộ quân đoàn 2, quân khu 2 ngụy tại chiến trường Tây Nguyên. Đến 12h ngày 19/3/1975, Sư đoàn bộ binh 320 của ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Bổn (nay là huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa tỉnh Gia Lai).

Chiến thắng Đường 7- Sông Bờ là đòn quyết định làm phá sản hoàn toàn kế hoạch rút lui chiến lược của Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú. Những địa danh như: cầu sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na đã trở thành nỗi khiếp sợ của những hàng ngàn quân địch.

Hồi sinh từ bom đạn

Sau 45 năm, con đường 7 huyền thoại năm xưa nay đã khoác áo mới. Hàng loạt nhà cao tầng, đường phố khang trang đã che đi nhiều dấu tích về một thời đỏ lửa trên con đường 7. Đường 7 cũng được đổi lên thành QL25 nối liền các huyện của tỉnh Gia Lai và dẫn về tỉnh Phú Yên.

Nơi ngã 3 sông Bờ (nay là thị xã Ayun Pa, Gia Lai) cũng đang chuyển mình thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam tỉnh. Những dãy phố dài năm xưa như xóm Hạo Đức, xóm Nhà Cháy, Ngã ba Cây Xoài… từng bị máy bay, đạn pháo của địch bắn phá tan hoang, thiêu cháy thành tro tàn, giờ đã san sát nhà tầng, nhà xây sầm uất.

Ký sự đường 7: Con đường hào hùng một thời “đỏ lửa” - 3

Đường 7 (quốc lộ 25) qua phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa) nay đã khang trang treo nhịp sống đô thị hóa

Dọc hai bên sân bay dân dụng Phú Bổn khi xưa đầy hố bom, vỏ đạn, vết thương chiến tranh, bây giờ cũng đã trở thành cánh đồng lúa nước 2 vụ xanh tốt. Một con đường Đông Trường Sơn đã được xây dựng bên rìa đông của phường Sông Bờ tiếp giáp với bờ sông Ba rồi nhập vào QL 25.

Phía hữu ngạn sông Bờ là các xã Ia Sao và Ia Rtô đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Đồng bào Jrai trên vùng “chảo lửa” từng một thời chung sức với bộ đội đánh tan quân thù, giờ lại đang chung tay cùng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hai bên đường là những cánh đồng lúa nước vào độ chín vàng óng…

Ký sự đường 7: Con đường hào hùng một thời “đỏ lửa” - 4
Đài tưởng niệm chiến thắng Đường 7 – Sông Bờ.

Chiến thắng đường 7 - Sông Bờ đã được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia và năm 2001. Trong không khí kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), người ta lại nhớ về một thời hào hùng nhưng không kém phần đau thương gắn liền với đường 7.

Chí Anh