1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Mặt trận lòng dân - Vũ khí làm nên chiến thắng 30/4/1975

Không chỉ học sinh, sinh viên mà rất nhiều tầng lớp nhân dân cũng bị cuốn vào những phong trào đấu tranh chống sự xâm lược của Mỹ.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Sài Gòn và các đô thị miền Nam luôn luôn sục sôi bởi những cuộc đấu tranh không mệt mỏi của các lực lượng yêu nước. Trí thức, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, công chức chế độ cũ… đã tham gia vào cuộc đấu tranh vì tinh thần dân tộc, tạo thành một đạo quân chính trị hùng hậu, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Phụ nữ miền Nam Việt Nam biểu tình phản đối đế quốc Mỹ (Ảnh: TTXVN)
Phụ nữ miền Nam Việt Nam biểu tình phản đối đế quốc Mỹ (Ảnh: TTXVN)

"Mở đầu hiệu lệnh xuống đường thường là chúng tôi hát bài xuống đường: Xuống đường, xuống đường, nào anh em ơi! Dậy mau dậy chúng ta cùng xướng đường. Dậy mau dậy chúng ta cùng xuống đường. Khi có hiệu lệnh đó thì tất cả đều xuống đường".

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập tác giả của 2 ca khúc nổi tiếng: “Hát cho dân tôi nghe”“Xuống đường” trở nên sôi nổi, hào hứng như vậy khi nhớ lại thời kỳ đấu tranh chống Mỹ trước năm 1975. Thời điểm đó, sinh viên, học sinh, giới trí thức Sài Gòn cùng xuống đường đấu tranh, biểu tình chống dân chủ giả hiệu, chống Mỹ, đòi thi hành Hiệp định Paris. Để khơi dậy tinh thần đấu tranh chống Mỹ trong tầng lớp sinh viên, học sinh Sài Gòn, nhiều sinh viên, nhạc sĩ đã viết các ca khúc kêu gọi đấu tranh, ca ngợi lòng yêu nước, ý chí thiết tha độc lập, tự do của dân tộc. Phong trào “hát cho dân tôi nghe” là hình thức đấu tranh sáng tạo dùng tiếng hát như một vũ khí để chống lại chế độ Mỹ-Ngụy.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập kể lại, trong một cuộc biểu tình chống lại bầu cử thượng viện của chính quyền Sài Gòn năm 1970, ông và hơn 100 sinh viên bị bắt giam. Trong nhà tù, nhạc sĩ Tôn Thấp Lập và bạn bè đã dùng tiếng hát để đấu tranh khiến cho địch rất lo sợ.

“Đêm đó, chúng tôi tổ chức một đêm văn nghệ rất sôi nổi, chúng tôi hát tất cả các bài hát. Sau mỗi bài hát, chúng tôi nghe trong các phòng giam xung quanh đều vang lên những tiếng vỗ tay và tiếng la khiến chúng tôi vô cùng phấn khích. Chính quyền Sài Gòn rất sợ. Sáng hôm sau, những người nòng cốt trong phong trào đều bị gọi lên hỏi cung. Họ nói với tôi: Bây giờ các anh muốn làm gì thì làm, nhưng cấm không được hát. Cho nên tôi nghĩ tiếng hát đã đi vào quần chúng và trở thành một loại vũ khí”.

Tham gia lãnh đạo sinh viên, học sinh Sài Gòn lúc đó có nhiều nhà báo, nhạc sĩ, trí thức. Họ chính là nòng cốt trong các cuộc đấu tranh của các lực lượng yêu nước tại Sài Gòn. Phong trào “Hát cho dân tôi nghe” phối hợp với các cuộc hội thảo, xuống đường, biểu tình, tuyệt thực, tự thiêu, Sài Gòn “những đêm không ngủ”, các chiến dịch đốt xe Mỹ… đã lôi cuốn hàng vạn người dân Sài Gòn ở mọi tầng lớp tham gia.

Không thể đứng ngoài cuộc, nhiều công chức Sài Gòn bằng cách này hay cách khác cũng tham gia các hoạt động ủng hộ cách mạng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, chủ ngôi nhà số 51/10/14, Lý Chính Thắng, quận 3, cho biết: hồi đó bà là công chức làm việc ở Bưu điện Sài Gòn. Nhà có em trai đi lính chế độ cũ nhưng lại luôn ủng hộ cách mạng và giúp bà giấu truyền đơn, súng đạn không để địch phát hiện. Nhà bà lúc đó là cơ sở hoạt động của Tuyên huấn xứ ủy Sài Gòn. Xung quanh khu vực bà ở, nhiều gia đình có người thân làm cho chính quyền cũ, biết mình giúp đỡ cách mạng, nhưng họ không tố cáo mà còn che giấu. Nhờ đó mà cơ sở - nơi gia đình bà ở không bị lộ. Bà Sương kể về một lần bà bị địch nghi ngờ, thẩm vấn: “Nó nói tôi là công chức sao còn đi làm các mạng. Chúng hỏi tôi có dấu súng, có rải truyền đơn không? Tôi trả lời: nếu tôi làm những việc đó thì các ông bắt được rồi. Thật sự là tôi giấu súng trong nhà, tụi nó đem đồ vào dò tìm nhưng không phát hiện được”.

Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ ấy, những người tham gia các hoạt động ủng hộ cách mạng được người dân Sài Gòn chở che, đùm bọc như con em ruột thịt, khiến cho địch không làm gì được.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Những lực lượng trí thức, từ thanh niên, sinh viên, học sinh cho đến các ký giả, nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ, đặc biệt trong số đó có cả những công chức của chế độ cũ, của chính quyền Sài Gòn, trong cuộc đấu tranh cứu nước đó họ bị cuốn vào phong trào chung như thế. Những đêm không ngủ ở Sài Gòn, phong trào đốt xe Mỹ đã lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Không chỉ có học sinh, sinh viên mà rất nhiều những người tán thành phải đấu tranh giải phóng miền Nam, chống sự xâm lược của Mỹ”.

Các phong trào đấu tranh được phát động và dấy lên trong lòng đô thị Sài Gòn và khắp miền Nam với sự tham gia, góp sức của những sinh viên, học sinh, các nhà sư, công chức và cả những người lính chế độ cũ đã minh chứng về lòng yêu nước, thiết tha hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Chính sự nổi dậy của các lực lượng này hợp sức cùng các đòn tiến công của bộ đội ta đã góp phần làm nên chiến thắng trọn vẹn trong ngày 30/4/1975 lịch sử.

Theo Cao Thoa
 
VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm