1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lũ lịch sử tại Hà Tĩnh:

Kiệt sức trên những nóc nhà...

(Dân trí) - Đó là cảnh ngộ của hàng ngàn người dân không kịp thoát thân trước sự bủa vây như chớp của trận đại hồng thủy lịch sử ở huyện Hương Khê.

Kiệt sức trên những nóc nhà... - 1
Hơn 20.000 hộ dân ở huyện Hương Khê bị nhấn chìm trong biển lũ
 
Tại xóm 6, xã Lộc Yên, chúng tôi chứng kiến hai hoàn cảnh cảm động rơi nước mắt. Từ 7h sáng ngày 16/10, trong chốc lát nước đã nhấn chìm nhà cụ Nguyễn Thị Đức (70 tuổi) nằm ở bên bờ sông Ngàn Sâu. Trong cơn hoảng loạn. Cụ Đức cùng con gái và cháu ngoại vội kịp leo lên gốc mít cạnh nhà. Nước lên đến đâu, trèo lên cây đến đó. Mưa tầm tả, người ướt sủng, đói, rét và thức trắng thâu đêm là những gì ba người đã trải qua.
 
Nhận được thông tin, đội cứu hộ đã có mặt kịp thời để ứng cứu. Đêm đen bao trùm, nước chảy như thác đổ, cây cối dày đặc khiến 2 chiếc ca nô và những chiếc thuyền nhỏ của dân quây quần mấy tiếng đồng hồ tìm cách tiếp cận nhưng đành bất lực trước dòng lũ dữ. Đến 8h, sáng 17/10, bằng nhiều nỗ lực của đội cứu hộ Công an huyện cả ba người đã được giải cứu an toàn.
 
 
 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 2
Bà Đức, con gái và cháu sau hơn 24 tiếng đồng hồ đeo bám trên cây đã được giải cứu
 
Trắng đêm đứng cheo leo bám trụ trên cây, không cái ăn, không nước uống, thân xác của ba người đã mệt nhoài, mặt hốc hác và đôi mắt quầng thâm sâu hoáy. Thoát khỏi đêm trắng ác mộng, cụ Đức người run bần bật vừa bước lên thuyền đội cứu hộ, mếu máo nói: “Thật kinh khủng, thằng cháu không vớ kịp thì tui chết rồi. Cả đêm qua ba người chỉ biết khóc than kêu trời trong vô vọng!”.
 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 3
Khuôn mặt thất thần, sợ hãi của bà Đức sau đêm trắng trên ngọn cây
 
Cách nhà cụ Đức chừng 500m là nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn. Nước ngập đến mái nhà, cả hai vợ chồng đã gắng bám trụ trên nóc nhà từ sáng qua tới giờ.“Khổ quá đi thôi, tất cả tan theo lũ hết rồi. Có gì ăn cho chúng tôi một ít với”, anh Sơn không còn sức lực sau hai tuần liền chiến đấu với giặc lũ cố gắng gào thét.
 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 4
Hai vợ chồng anh Sơn đã kiệt sức trên nóc nhà...
 
Lập tức chiếc thuyền cứu hộ của Công an huyện Hương Khê bẻ lái, tăng tốc hướng về ngôi nhà vọng ra tiếng cầu cứu yếu ớt, từng cuộn sóng đục ngầu tung lên bọt trắng xóa. Thùng mì tôm, chai nước khoáng được các chiến sỹ trao tới. Gói mì đầu tiên được hai vợ chồng bốc ra nhai sống ngon lành như thể từ lâu không được ăn, uống gì. 
 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 5
và mì tôm cứu trợ kịp thời ứng cứu

Rời Lộc Yên, chúng tôi đến xã Gia Phố, chiếc cầu treo Đông Hải đã bị lũ cuốn trôi từ đêm qua. Ca nô của đội cứu hộ lại xé tan biển lũ đến với những con người đang vật vã trong lũ. Đi đến đâu, tiếng kêu vang lên lên tới đó.

Vừa ghé xóm 13, một tình huống hãi hùng xuất hiện trước đoàn cứu hộ. Từ trong ngôi nhà bị nước bạc trắng xóa ngập đến tận nóc, bất ngờ một người đàn ông có tên là Thiện đội ngói nhô lên, lao nhanh ra giữa dòng nước xoáy vớt thùng mì ăn liền của đoàn cứu hộ. Chiếc đầu chìm nghỉm trong dòng nước, hai tay giơ lên cao cầm lấy thùng mì tôm, ông Thiện đã tìm cách vẫy vùng bơi vào nhà.
 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 6
Anh Thiện liều mình trong lũ dữ nhận hàng cứu hộ

Đến 13h30, ăn vội gói mì tôm sống trên chiếc ca nô trong cơn mưa tầm tả, chúng tôi lại xuôi dòng nước lũ xuống các xã Phương Mỹ, Hà Linh. Mội cảnh tượng thật xót xa. Cả xã Phương Mỹ dường như bị cô lập hoàn toàn. Người dân chỉ biết chèo thuyền đi lánh nạn, bỏ lại mọi thứ giữa biển nước đục ngầu. “Có chi mô nữa anh. Mọi thứ đã bị lũ cuốn trôi hết. Chỉ còn biết chèo thuyền đi lang thang mong xin được gói mì để sống cầm hơi. Không biết khi nào nước mới rút hết”, chị Lan, nhìn ngôi nhà ngập chìm chỉ còn thấp thoáng nóc, thở than.

 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 7

Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ - Lê Hồng Quân dường như khàn cả cổ, nói không nên lời. Ông nói vội: “Đây là trận lũ lịch sử. Như các cụ ở đây cho biết thì vượt cả đỉnh lũ 1960 cả nửa mét”. Lúc này người dân Phương Mỹ chỉ biết sống chung với lũ và chờ nước lũ xuống mà thôi.

Tại xã Hà Linh, cảnh tượng cũng tương tự. Ở đây, giờ sự sống của hàng trăm hộ dân cũng đang trông chờ vào hàng cứu trợ. 
 
Nơi nào chúng tôi ghé qua, ghi lại trong khoảnh khắc tại rốn lũ Hương Khê đều thê thảm, đau thương. Những ngôi nhà nằm lọt tỏm giữa lùm cây, dây điện mà tàu không thể ghé qua, từng tiếng kêu vô vọng nhỏ dần tan theo màu đục ngầu của nước lũ…  
 
Báo cáo từ ban phòng chống lụt bão huyện Hương Khê, hiện có hơn gần 20.000 hộ dân đang bị nhấn chìm trong lũ và hàng ngàn người đang bị cô lập hoàn toàn trong lũ.
 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 8
Một phụ nữ đơn độc trên nóc nhà trong đói, rét giữa dòng nước lũ trắng xóa

Sáng nay, Ban phòng chống lụt bão tỉnh và huyện đã huy động tối đa lực lượng giải cứu những người dân đang bị cô lập, đem thực phẩm và nước sạch đến ứng cứu tạm thời đến người dân.

Tại bến thuyền trực chiến ở phía Nam của Thị Trấn Hương Khê, từ 6h sáng tiếng còi hú của các lực lượng cứu hộ vang lên inh ỏi, hàng chục chiếc xe vận tải hàng cứu trợ và gần 15 chiếc ca nô đã sẵn sàng xuất bến đến với bà con. Cả đoạn đường dài khoảng chừng 2km từ phía nam của ga tàu Hương Phố về bến xe Thị trấn đông nghịt người và xe cộ. Những chiến sỹ Công an, Bộ đội, Biên phòng, Kiểm lâm đêm qua không ngủ nay lại lao vào làm nhiệm vụ nhanh thoăn thoắt.
 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 9
Hàng chục thuyền cứu hộ tăng tốc đến cứu dân

“Bằng mọi giá phải giải cứu được người dân đang bị cô lập và cứu đói khát tạm thời cho dân”, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có mặt chỉ huy tại tâm lũ Hương Khê cho biết.

Đến 7h, chiếc xe cứu thương của Hội chữ Thập đỏ huyện lại rú còi lao đến vun vút. Từ trên chiếc ca nô của BCH Quân sự huyện Hương Khê các chiến sỹ bế ra một người đàn bà đã ngất lịm vì không chịu nổi sự uy hiếp của lũ hơn một ngày nay.
 
Kiệt sức trên những nóc nhà... - 10
Xe cứu thương hoạt động liên tục tại bến trực chiến phía nam thị trấn Hương Khê

 
Đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận xã Phúc Đồng có nơi ngập sâu từ 1,5-3m. Tuyến đường 15a từ Huơng Khê đi TP Hà Tĩnh nhiều nơi ngập sâu trong lũ. Đường sắt Bắc - Nam qua Hương Khê cũng bị tê liệt từ ngày hôm qua. Huyện miền núi Hương Khê đang bị cô lập hoàn toàn.
 
Trong khi đó tại các huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Hương Sơn,… nước lũ cũng đang hoành hành. Riêng huyện Hương Sơn và Vũ Quang hiện đang bị ngập rất nặng do nước từ thượng nguồn đổ về. Nhiều ca nô được huy động để sơ tán, cứu hộ và tiếp tế lương thực cho hàng ngàn người người dân.

TP Hà Tĩnh ngập chìm trong lũ từ 1 - 2m. Tuyến đường Quốc lộ 1 qua địa phận Hà Tĩnh bị tắc nghẽn nhiều đoạn, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.

Thống kê sơ bộ ban đầu của Ban phòng chống lụt bão tỉnh, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 8 người thiệt mạng, trong đó Kỳ Anh 1, TP hà Tĩnh 1, huyện Can Lộc 5. Có 2 người mất tích ở huyện Can Lộc chưa tìm thấy.

Trao đối với Dân trí, Đại tá Nguyễn Đức Tới, chỉ huy trưởng BCH quân sự tĩnh Hà Tĩnh cho biết, cho đến nay đã huy động 72 chiếc ca nô, xuồng, 600 cán bộ, chiến sỹ và 1000 dân quân tự vệ giúp dân. Hiện có hai chiếc trực thăng đã đậu sẵn ở sân bay Vinh sẵn sàng cất cánh nếu nước tiếp tục dâng cao.

Theo ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, khả năng trong hai ngày tới Hà Tĩnh lại đối phó với một trận mưa lũ mới ập về. 
 

* Dân trí sẽ tiếp tục đưa tin tình tình lũ lụt lịch sử ở huyện Hương Khê và toàn tỉnh Hà Tĩnh tới bạn đọc.

 Văn Dũng - Bá Hải - Đặng Tài - Minh Lý