Khu rừng hơn 600ha làm hồ Ka Pét có những loài cây quý nào?
(Dân trí) - Trong 600ha rừng làm hồ Ka Pét có 2 loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam là dáng hương và sơn điều. Bên cạnh đó còn có các loài cây như bằng lăng, căm xe, sổ, cóc rừng, thẩu tấu, dầu đồng, cà chắc.
Tại buổi họp báo thông tin dự án hồ chứa nước Ka Pét vừa qua, Tiến sĩ Đỗ Văn Thông, Đại diện Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ, cho biết đơn vị đã hoàn thành thực hiện kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trong vùng dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Theo đó, đơn vị đã thực hiện điều tra thu thập các chỉ tiêu bình quân lâm phần thông qua việc thiết lập các ô đo đếm từ tỷ lệ rút mẫu điều tra bằng 1,57% tổng diện tích vùng dự án.
Để có cơ sở tính toán, Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ đã thiết lập 96 ô tiêu chuẩn (1.000m2/ô) trong khu vực rừng chuyển đổi làm dự án để điều tra điển hình. Qua đó, đơn vị đã đo, ghi nhận được 4.262 cá thể cây gỗ, với 78 loài, thuộc 62 chi, 35 họ thực vật.
Trong đó, nhiều nhất là các loài: tre nứa, bằng lăng, căm xe, sổ, cóc rừng, thẩu tấu, dầu đồng, cà chắc, thành ngạnh... Đặc biệt trong quá trình kiểm kê hiện trạng, bắt gặp được 2 loài thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam là dáng hương (Pterocarpus Macrocapus Kurz) và sơn điều (Melanorrhoea Usitata Wall).
Trong đó, loài cây dáng hương với 26 cá thể cũng là loài thuộc nhóm IIA được quy định tại Nghị định 06/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Một số loài cây như: cẩm liên, căm xe, cà chắc, sến cát,... không thuộc nhóm các loài cây gỗ quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam. Đây là loài thuộc nhóm gỗ tốt (nhóm gỗ I, II).
Kết quả điều tra cũng cho thấy, rừng gỗ tự nhiên giàu và trung bình tập trung nhiều ở nhóm gỗ III và V; ở rừng gỗ nghèo tập trung nhóm gỗ V, VI; ở rừng hỗn giao tre nứa và gỗ tập trung nhóm gỗ VIII...
Thông tin thêm các loài cây trong rừng làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây, khu vực rừng dự kiến triển khai dự án hồ thủy lợi Ka Pét đã từng được cho phép khai thác chính (chọn lựa những loại cây gỗ lớn có giá trị).
Tuy nhiên sau khi thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên thì khu rừng này tiếp tục được bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó hiện tại, khu vực này những cây gỗ lớn, có giá trị còn rất ít.
Dự án hồ Ka Pét được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019. Đến tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.