1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Vị trí xây hồ Ka Pét: Thuận cả kinh tế lẫn kỹ thuật?

Hoàng Bình

(Dân trí) - Đại diện đơn vị thiết kế lý giải vị trí này hợp lưu 2 nhánh sông, suối tạo thành lòng hồ. Địa hình và khả năng sinh thủy tốt. Đây là phương án thuận cả kinh tế lẫn kỹ thuật, ít tác động đến rừng nhất.

Tại cuộc họp báo chiều 7/9, ông Nguyễn Công Thành, đại diện Viện Đào tạo và khoa học ứng dụng miền Trung, đơn vị tư vấn thiết kế hồ chứa nước Ka Pét đã giải thích lý do chọn vị trí xây dựng hồ tại rừng Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Vị trí có thể sinh thủy

Ông Thành nhấn mạnh, chọn vị trí làm hồ thủy lợi, điều kiện đầu tiên là có khoảng diện tích "bụng" chứa nước mùa mưa (lòng hồ) phù hợp. Ban đầu có 2 phương án lựa chọn, đều xây dựng trên sông Bà Bích.

Vị trí xây hồ Ka Pét: Thuận cả kinh tế lẫn kỹ thuật? - 1

Ông Nguyễn Công Thành, đại diện đơn vị thiết kế hồ chứa nước Ka Pét trả lời tại buổi họp báo (Ảnh: Hoàng Bình).

Sau khi nghiên cứu, cơ quan chức năng chọn phương án xây hồ Ka Pét tại vị trí hiện tại và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Vị trí này cách phương án cũ 5km về phía thượng nguồn theo sông Bà Bích.

Vị trí này phù hợp vì hợp lưu 2 nhánh sông, suối tạo thành lòng hồ Ka Pét. Địa hình và khả năng thu nước thuận lợi. Lòng sông hẹp, tạo điều kiện thuận lợi ngăn sông. Đây là vị trí được lựa chọn trong tất cả các quy hoạch thủy lợi hiện nay.

Cũng theo ông Thành, hiện nay hệ thống kênh, mương bên dưới hạ lưu khá hoàn chỉnh. Hồ thủy lợi Ka Pét trữ nước lại trên cao và phân phát nước theo hệ thống kênh mương bên dưới. Đơn vị đã nghiên cứu hết vùng này, chỉ có 2 vị trí nhưng phải chọn vị trí hiện tại vì nó có thể sinh thủy, thu nước.

Còn vị trí cũ dưới cầu Bà Bích, không được chọn vì sẽ ngập toàn bộ đường giao thông kết nối từ quốc lộ 1A lên trung tâm xã Mỹ Thạnh. Quy hoạch này được tính toán từ trước năm 2000, chứ không phải bây giờ mới tính đến.

Vị trí xây hồ Ka Pét: Thuận cả kinh tế lẫn kỹ thuật? - 2

Sông Bà Bích tại rừng Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận (Ảnh: Nam Anh).

Qua phân tích kỹ, ông Thành thông tin, vị trí hồ Ka Pét hiện tại thuận cả kinh tế và kỹ thuật. Vị trí xây hồ được nghiên cứu kỹ lưỡng của các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam. Vị trí cũng phù hợp tâm tư nguyện vọng của người dân. Tuy dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (137ha rừng đặc dụng) nhưng việc làm này là bất khả kháng vì lợi ích chung cho người dân.

Ông Thành cũng cho biết, lý do không cải thiện hồ vì công trình thủy lợi xây dựng phụ thuộc vào khả năng sinh thủy, lưu vực, nguồn nước. Trong đó, lưu vực phải đảm bảo mới xây dựng được hồ.

"Hồ thủy lợi quan trọng là đảm bảo nguồn nước, lưu vực thu nước của hồ. Nếu chúng ta cải tạo hồ nhưng khả năng sinh thủy không có thì không hiệu quả. Việc cải tạo hồ thủy lợi còn phải nâng cấp đập tràn, rất khó làm, không an toàn", ông Thành nói.

Về việc tạo kết nối giữa các hồ thủy lợi cần phụ thuộc vào địa hình; không thể kết nối hồ thấp lên cao mà chỉ làm được từ cao xuống thấp. Hồ Ka Pét được lựa chọn ở vùng cao, thượng nguồn, khi làm xong, hồ Ka Pét sẽ kết nối với các hồ phía dưới để dự án phát huy hiệu quả.

Vị trí xây hồ Ka Pét: Thuận cả kinh tế lẫn kỹ thuật? - 3

Vị trí hồ Ka Pét được xây dựng tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Đồ họa: Trịnh Ngà).

Vì sao làm hồ Ka Pét trước các hồ khác?

Liên quan đến kế hoạch xây hồ thủy lợi, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận, cho biết theo quy hoạch thì Bình Thuận sẽ xây dựng thêm 12 hồ thủy lợi phục vụ tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân toàn tỉnh. 

Trả lời câu hỏi tại sao hồ Ka Pét được ưu tiên thực hiện đầu tiên, ông Phước cho rằng hồ Ka Pét đã được duyệt quy hoạch. Hơn nữa, khu vực dự án hiện nay mới tưới được hơn 15% diện tích, còn lại chưa được tưới, nên phải ưu tiên xây Ka Pét trước. Tiếp theo sẽ là hồ La Ngà 3.

Ông Phước cung cấp thông tin thêm đã có phương án xây hồ Ka Pét với dung tích 69 triệu m3 nước, nhưng tỉnh đã chọn phương án dung tích 51 triệu m3. Đây là phương án vừa kinh tế vừa giữ được rừng, mất diện tích rừng ít hơn. Và phương án này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và phê duyệt.

Phó Giám đốc Sở cũng lý giải thêm tại sao không làm hồ nhân tạo, hồ thủy lợi có dung tích nhỏ để giảm thiệt hại hơn 600ha rừng?: "Phương án này đã tính đến nhưng không hiệu quả. Bình Thuận có lượng nước mưa hơn 5,4 tỷ m3/năm. Trong khi các hồ chứa hiện nay mới chứa được 400 triệu m3, rất lãng phí. Do vậy chỉ có giải pháp làm hồ chứa là phù hợp nhất hiện nay, không thể làm hồ nhân tạo vì nó vừa không hiệu quả kinh tế, vừa lãng phí nước".

Vị trí xây hồ Ka Pét: Thuận cả kinh tế lẫn kỹ thuật? - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm