1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Không thể để Formosa xả thải với nhiều ưu ái như thế được”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh việc Formosa được hưởng “ưu ái đặc biệt” về xả thải theo tiêu chuẩn riêng của ngành thép, không giống với phần lớn các ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

TS Nguyễn Khắc Kinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
TS Nguyễn Khắc Kinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Formosa đang được hưởng “ưu ái đặc biệt” về xả thải.

Trong khi phần lớn các ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện nay xả thải đáp ứng theo các tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp thì Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho phép một số ngành như sản xuất thép, dệt nhuộm, bột giấy, giấy, chế biến thủy sản, cao su... có quy chuẩn riêng. Trong đó ngành sản xuất thép thực hiện theo QCVN 52: 2013/BTNMT - chỉ phải quan trắc khoảng 12 thông số kỹ thuật trước khi thải ra môi trường; còn Quy chuẩn của QCVN 40:2011/BTNMT là 33 thông số (?!).

Đặc biệt, trong khi QCVN 40:2011/BTNMT quy định giới hạn hàm lượng xyanua thải ra môi trường là 0,1mg/lít thì ngành thép được phép xả thải tới 0,5mg/lít. Theo giấy phép xả thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Formosa thì nhà máy này được xả thải tổng phenol là 0,585mg/l và tổng xyanua 0,585mg/l.

Phóng viên: Thưa ông, việc ban hành tiêu chuẩn như vậy vô hình chung đã tạo ra sự bất bình đẳng trong xả thải giữa các ngành công nghiệp ở Việt Nam?

TS Nguyễn Khắc Kinh: Với tư vấn của các nhà khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho rằng một số ngành đó không thể xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn chất thải công nghiệp thông thường nên cần có tiêu chuẩn riêng cho ngành.

Thời kỳ còn làm Trưởng ban Tiêu chuẩn khoa học công nghệ môi trường của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (sau này tách ra thành Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường - PV), tôi đã kiên quyết phản đối việc ban hành quy chuẩn xả thải ngành bởi việc đó tạo ra sự bất bình đẳng.

Ban hành tiêu chuẩn xả thải theo ngành mà theo hướng lỏng lẻo hơn tiêu chuẩn thông thường thì ở một số nước người ta cũng làm, nhưng không phải được phép xây dựng nhà máy ở bất kỳ chỗ nào, mà chỉ được xây dựng ở những vị trí nhất định và còn có sức chịu tải của môi trường rất lớn.

Với những chất cực độc như phenol và xyanua mà Formosa được “ưu ái” xả thải ra biển theo tiêu chuẩn như vậy thì cực kỳ nguy hiểm về lâu dài?

Ưu ái xả thải như vậy không chỉ riêng cho Formosa, bởi nó áp dụng cho cả ngành sản xuất thép. Trước sự việc vừa rồi, các bộ ngành cần phải xem xét điều chỉnh lại tiêu chuẩn này, nhưng điều chỉnh lại bây giờ phức tạp đấy bởi chúng ta đã cho người ta rồi, giờ bảo người ta điều chỉnh tiêu chuẩn đâu có dễ. Công nghệ đã xây dựng rồi, giờ chuyển công nghệ đòi hỏi phải có thời gian.

Nhưng vừa qua Chính phủ đã kết luận và chỉ rõ những sai phạm của Formosa trong việc xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Formosa cũng đã cam kết bồi thường 500 triệu USD và thực hiện các giải pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm cũng như không tái phạm. Tuy nhiên nếu chúng ta không điều chỉnh những “ưu ái” trong việc xả thải này, đặc biệt khi khối lượng xả thải ra biển của Formosa rất lớn, thì hậu quả thật khôn lường?

Nếu thấy họ thải ra với với hàm lượng, lưu lượng lớn như thế mà ảnh hưởng thì phải tìm cách dừng lại ngay. Nhưng trước mắt tôi rất muốn dừng ngay chuyện ban hành tiêu chuẩn xả thải ngành nếu không có quy hoạch. Không thể để người ta sử dụng tiêu chuẩn xả thải theo ngành để xây dựng nhà máy chỗ nào cũng được.

Vừa rồi Formosa đã xả thải bậy đấy chứ, có phải xả thải đúng đâu. Giữa thải đúng tiêu chuẩn và thải bậy là hai chuyện khác nhau. Giờ phải đánh giá lại việc dự báo trước đây so với thực tế hiện nay thế nào. Nếu thấy vùng ấy không được phép xả lưu lượng lớn như thế thì hai bên phải bàn cách mà dừng, điều chỉnh lại. Lỗi ở đâu, lỗi của ai thì phải xem xét cho thỏa đáng. Về lâu dài không thể để Formosa xả thải nhiều với những ưu ái như thế được.

Vậy theo ông những việc mà các bộ ngành liên quan cần phải làm ngay tới đây là gì?

Thứ nhất phải đánh giá, xem xét sức chịu tải của vùng biển Vũng Áng và xung quanh đó còn cho lượng xả thải lớn như thế không, nếu không thì phải siết tiêu chuẩn lại, còn chuyện lộ trình bàn sau. Nếu bây giờ sức chịu tải không còn hoặc quá nhạy cảm, khiến việc “nhận thêm” chất độc sẽ khiến hủy hoại, phá hoại các loài sinh vật, san hô thì phải rất cẩn thận.

Thứ hai là phải có đánh giá lại toàn diện tiêu chuẩn xả thải của Khu kinh tế Vũng Áng. Ở đó đâu chỉ có ngành thép mà còn có cả ngành sản xuất cốc, sản xuất điện,... nên các tiêu chuẩn về xả thải phải có sự khác nhau, kiểm soát chặt chẽ khác nhau. Không thể để việc sản xuất cốc mà lại áp dụng tiêu chuẩn xả thải của sản xuất thép được.

Xin cảm ơn ông!

Mỗi năm xả thải cả chục tấn chất độc xuống biển

Theo tính toán của các nhà khoa học, với công suất xả thải 45.000m3/ngày và tổng hàm lượng phenol là 0,585mg/l, xyanua 0,585mg/l thì mỗi năm Formosa được phép xả thải ra môi trường khoảng 9,6 tấn xyanua và 9,6 tấn phenol.

Vừa qua, kết quả phân tích độc tố (phenol, xyanua) tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế và Đại học Sydney (Australia) cho thấy trong nhiều mẫu cá chết thu được có hàm lượng độc tố cao. Các nhà khoa học khẳng định, đã có một nguồn thải lớn chứa phenol, xyanua kết hợp phức sắt ở dạng keo (Mixel) xả ra môi trường biển xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh. Phức sắt dạng keo sẽ hấp phụ phenol, xyanua và các độc chất khác. Các độc chất này được làm giàu tới hàm lượng có thể gây độc cấp tính để hình thành cái gọi là “ổ độc di động”. Các kết quả thử độc tính dịch chiết của mẫu cá chết cho thấy cá chết có chứa chất độc như phenol, xyanua khi phân huỷ vào nước vẫn còn tiếp tục gây chết cá biển khác.

Như vậy, có thể kết luận: kim loại nặng không phải là tác nhân hoá học gây ra sự cố; độc tố hoá học (phenol, xyanua,…) cùng với sự đóng góp của hợp chất chứa sắt là nguyên nhân chính gây ra sự cố hải sản chết hàng loạt.

Thế Kha (thực hiện)