1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không loại trừ khả năng máy bay bị khủng bố

(Dân trí) - Tại buổi họp chiều nay 9/3 về công tác tiếp tục triển khai tìm kiếm cứu nạn đối với máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia bị mất tích, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, đây là "hiện tượng lạ" và không loại trừ khả năng khủng bố.

Không loại trừ khả năng máy bay bị khủng bố


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: "Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm cứu nạn với tinh thần cao nhất 24/24h, trừ khi máy bay không thể bay được nữa".

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tại khu vực vùng biển Việt Nam có 2 vệt dầu loang nghi là điểm máy bay gặp nạn, độ sâu của mực nước biển chỉ khoảng 20-40m, không có lý gì không phát hiện ra được máy bay bị nạn. Khi máy bay chuẩn bị vào vùng không phận Việt Nam, cơ quan không lưu của Việt Nam đã nhận biết được tín hiệu nhưng chưa nhận được sự chuyển giao không phận thì đột ngột máy bay mất hoàn toàn tín hiệu và đến nay chưa phát hiện được ra tung tích máy bay. Việc máy bay mất hoàn toàn tín hiệu và không kịp báo về mặt đất là “hiện tượng lạ”. Chúng ta vẫn không thể loại trừ khả năng có thể máy bay bị khủng bố.

Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường thắt chặt an ninh hàng không. Vấn đề tìm kiếm cứu hộ cứu nạn sẽ tiếp tục được huy động tối đa, trừ khi "máy bay tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam không bay được nữa thì thôi".

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, việc triển khai tìm kiếm máy bay của Malysia bị mất tích được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là tích cực tìm kiếm cứu nạn; Giai đoạn 2 là tiến hành điều tra và giao cho Bộ GTVT làm chủ trì. Nhưng dù ở giai đoạn nào thì cũng phải tuân thủ đúng các công ước quốc tế.

Sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho hay, ngày mai 10/3, ông sẽ bay vào sân bay Phú Quốc, sau đó tiếp tục bay ra khu vực nghi máy bay Malaysia gặp nạn để trực tiếp đánh giá tình hình.


 

Trao đổi với phóng viên Dân trí sau cuộc họp chiều nay, ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng Ban An toàn chất lượng, an ninh của Vietnam Airlines (VNA), cơ trưởng Boeing 777 - cũng nhận định về khả năng máy bay Malaysia có thể bị khủng bố.

Theo ông Đinh Đức Tuấn, máy móc là do chính con người tạo ra và con người cũng có thể can thiệp vào. Về vấn đề máy bay đột ngột mất hoàn toàn liên lạc mà phi công không kịp phát tín hiệu về đất liền, xưa nay trên thế giới chưa từng ghi nhận. Máy bay Boeing 777 được thiết kế để hoạt động được trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; trong trường hợp này máy bay mất liên lạc trong điều kiện thời tiết tốt nên có thể loại trừ nguyên nhân thời tiết.

Ông Tuấn cho biết, trường hợp máy bay đột ngột mất liên lạc hoàn toàn bất ngờ thì chỉ có thể là nổ tung trên bầu trời, nhưng khả năng này khó xảy ra. Còn nếu do chiếc Boeing 777 hở buồng kín thì với độ cao và tốc độ của chiếc máy bay tại thời điểm mất tích, phi công vẫn có khoảng hơn 4 phút để liên lạc.

Nếu máy bay chết 2 động cơ một lúc thì vẫn có khoảng 20 phút để lướt thêm 200 dặm, đủ thời gian cho phi công xử lý và có liên lạc. Ngoài ra trong các lớp đào tạo đều có bài học hạ cánh xuống dòng sông hay xuống biển.

Còn trường hợp cháy hoặc có khói trong buồng lái, phi công cũng đủ thời gian thông báo về trung tâm. Nhưng khả năng Boeing 777 bị cháy buồng lái cũng rất thấp.

Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Đức Tuấn nhận định, l

Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Đức Tuấn nhận định, loại trừ các khả năng, việc máy bay Boeing 777 bị mất hoàn toàn liên lạc một các đột ngột là điều khó hiểu.

Theo ông Tuấn, giả sử có trường hợp xâm nhập buồng lái máy bay bất hợp pháp mà các đối tượng xâm nhập bất hợp pháp đó có thể khống chế phi công thì phi công vẫn có thể chuyển chế độ gửi tín hiệu thông báo về mặt đất. Lúc đó dưới mặt đất sẽ nhận biết được chiếc máy bay đó đang bị khống chế. Như vậy, loại trừ các giả thiết, ông Tuấn nhận định máy bay cùng lúc mất liên lạc cả radio và mất tín hiệu trên ra đa mà không có bất cứ thông tin cảnh báo nào là rất khó hiểu.
 
“Hơn 20 năm nay tôi lái loại máy bay này, đêm 8/3 tôi cũng vừa lái chuyến bay từ Pháp về Việt Nam bằng máy bay Boeing 777 giống y hệt của Malaysia Airlines đang mất tích, vì thế tôi khẳng định rất khó mất liên lạc với loại máy bay Boeing 777, trừ trường hợp cố tính tắt hệ thống liên lạc, bởi vừa mất liên lạc vừa mất tín hiệu radar dưới mặt đất, chỉ là cố tình làm như vậy hoặc có người can thiệp vào không cho tổ lái làm việc này. Còn nếu cứ hạ thấp xuống thì radar vẫn nhận dạng được” - ông Tuấn khẳng định.
 
Đánh giá về an ninh hàng không của Việt Nam, ông Tuấn cho biết, điều này được thể hiện qua việc nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đều có đường bay qua không phận Việt Nam và việc máy bay đến - đi đều có thông báo với quản lý không lưu của Việt Nam; chưa xảy ra trường hợp nào mất an toàn khi vào không phận Việt Nam.
 
"Đây thực sự là một vụ việc lạ lùng!"

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh - cho biết, trước khi máy bay Malaysia Airlines đến điểm IGARY (điểm bàn giao cho vùng FIR của Việt Nam) thì lúc 17 giờ 20 phút 30 giây (giờ UTC) radar đã thu được tín hiệu máy bay. Phía Việt Nam đã hiệp đồng chuẩn bị bàn giao kiểm soát máy bay (nhưng chưa nhận bàn giao - PV) thì máy bay đến cách điểm IGARY khoảng 18km (khoảng 1,5 phút bay) về phía Nam bỗng mất tín hiệu trên màn hình radar. Không bắt được liên lạc với máy bay nên sau 3-5 phút Việt Nam đã thông báo ngay cho các cơ quan liên quan.

Cũng nói về tín hiệu máy bay, ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không - cho PV Dân trí biết: Đây thực sự là một vụ việc lạ lùng.

Máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines. Đây là loại máy bay hiện đại và 2 hệ thống

Máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines. Đây là loại máy bay hiện đại và 2 hệ thống phát tín hiệu tự động lên vệ tinh khi bị lâm nạn

Theo ông Thắng, Boeing 777-200 là loại máy bay rất hiện đại với 5 hệ thống đảm bảo an toàn. Trên máy bay có 2 hệ thống phát tín hiệu tự động lên vệ tinh được thiết kế lắp đặt ở phần đuôi và phần thân máy bay.

“Hệ thống tự động ở phần đuôi sẽ phát tín hiệu lên vệ tinh khi máy bay phát nổ, đâm vào núi, vách đá hay vị trí bất kỳ ở trên đất liền mà máy bay bị tai nạn. Hệ thống ở thân máy bay tự động phát tín hiệu khi gặp nước. Với 2 hệ thống phát tín hiệu đó, trong hoàn cảnh lâm nạn nào thì máy bay Malaysia Airlines đều hoàn toàn có thể tự động phát tín hiệu cấp báo lên vệ tinh một cách nhanh nhất. Nhưng, ở trường hợp cụ thể với chiếc máy bay đang mất tích thì không có bất kỳ tín hiệu nào từ máy bay được phát đi, vệ tinh cũng không thu được thông tin gì về chiếc máy bay này. Không thể có chuyện cả 2 hệ thống phát tín hiệu tự động cùng hỏng, nhất lại là đối với máy bay Boeing 777-200” - ông Thắng phân tích.

Các thông số kỹ thuật khác của máy bay Boeing 777-200 cũng được ông Thắng nhắc tới, trong đó với chiều dài là 50m và phần cánh dài khoảng gần 60m nên nếu máy bay của Malaysia Airlines bị rơi ở vùng biển đang tìm kiếm có độ sâu từ 20-50m thì từ trên cao cũng sẽ nhìn thấy rất rõ các mảnh vỡ.

Tuấn Hợp - Như Quỳnh