1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Không được để đội ngũ y tế quá tải trong cuộc chiến chống Covid-19"

Vân Sơn

(Dân trí) - "Lực lượng y tế đang ngày đêm căng mình chống dịch, cần phải có phương án bảo vệ sức khỏe, tránh quá tải. Lịch trực 3 ca 4 kíp cần triển khai để bảo toàn đội ngũ tuyến đầu khi Covid-19 kéo dài".

Đội ngũ y tế cần thực hiện 3 ca 4 kíp

Trước tình hình dịch Covid-19 bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao, chiều 10/2, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, người lãnh đạo thành phố vượt qua những đợt dịch Covid-19 trong năm 2020, đã đến dự cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.

Không được để đội ngũ y tế quá tải trong cuộc chiến chống Covid-19 - 1

Lực lượng nhân viên y tế đang ngày đêm căng mình chống dịch. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Trong nội dung góp ý của mình, ông Nguyễn Thiện nhân cho biết: "TPHCM đã chuẩn bị các phương án khi số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng từ 30 lên 50 người. Đây là phương án thành phố đã lập ra trong đợt dịch từ đầu năm 2020 nhưng chưa dùng đến. Nay dịch đang diễn biến phức tạp, cần thiết phải nâng cao thêm một cấp, sẵn sàng các giải pháp điều trị khi số ca nhiễm bệnh tăng từ 50 đến 80 người".

Không được để đội ngũ y tế quá tải trong cuộc chiến chống Covid-19 - 2
Những rủi ro trong công việc đã khiến không ít y bác sĩ trong điểm nóng Covid-19 tại một số tỉnh thành nhiễm bệnh

Ông Nhân nhấn mạnh: "Đội ngũ y tế là chiến sĩ tuyến đầu, là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến phòng bệnh, điều trị cho bệnh nhân, khống chế nguy cơ lây nhiễm của Covid-19. Bên cạnh các giải pháp bảo vệ y bác sĩ, nhân viên y tế tránh nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh cần phải có phương án bảo vệ sức khỏe cho lực lượng đặc biệt quan trọng này".

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Đội ngũ y tế cần phải thực hiện phương án 3 ca 4 kíp, không được để đội ngũ y tế rơi vào tình trạng quá tải trong cuộc chiến chống Covid-19 bảo vệ cộng đồng. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, bệnh viện các tuyến cần phải đào tạo một lực lượng y tế bổ sung khi cần thiết. Hàng ngày những nhân sự được đào tạo có thể không làm về lây nhiễm nhưng được huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chia lửa với đồng nghiệp để các y bác sĩ không bị quá tải".

Theo phân tích của nguyên Bí thư thành phố: "Chu kỳ lây nhiễm của dịch bệnh thường diễn ra trong 2 tuần nên cần kiểm soát được chu kỳ này. Tiếp đến cần khống chế được chu kỳ tiếp theo trong 2 tuần sau. Để cuộc chiến chống dịch Covid-19 đi đến thắng lợi, thành phố cần công bố kế hoạch trong 4 tuần, bằng sự quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị với mỗi người dân, mỗi gia đình".

Không được để đội ngũ y tế quá tải trong cuộc chiến chống Covid-19 - 3

Trong thời điểm cả nước gồng mình ứng phó với Covid-19, nhiệm vụ nặng nề nhất đặt lên vai các y bác sĩ (ảnh: Phạm Nguyễn)

Phương châm nhất quán trong chống dịch là "khổ trước, sướng sau" phải đeo khẩu trang, giãn cách, chịu khó cách ly khi có nguy cơ, phải chịu cực, chịu khổ nhiều tuần liên tiếp để cắt đứt làn sóng lây nhiễm của Covid-19, không để xảy ra dịch trên địa bàn thành phố… sẽ là giải pháp tốt nhất giúp cả xã hội sớm trở lại đời sống bình thường.

Thế nào là tỉnh có dịch?

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Từ khi Covid-19 xuất hiện ở Hải Dương, Quảng Ninh, đến nay đã có 13 tỉnh thành trên cả nước bị lây nhiễm. Theo tôi, nên dùng thuật ngữ "lây nhiễm" Covid-19 chứ không nên dùng chữ "dịch" đang xảy ra ở các địa phương. Tính chất lây nhiễm tại mỗi địa phương là khác nhau, nếu dùng chữ "dịch" cho mọi tỉnh thành nhân dân có thể lo lắng, ứng xử của lãnh đạo địa phương có thể chưa hợp lý".

Mức lây nhiễm ngoài con số tuyệt đối, mỗi một quốc gia, một tỉnh thành có bao nhiêu người lây nhiễm đang điều trị luôn được quy đổi thành con số cụ thể là ca bệnh trên 1 triệu dân để phản ánh cường độ lây nhiễm dựa trên những chỉ số.

Không được để đội ngũ y tế quá tải trong cuộc chiến chống Covid-19 - 4
Cuộc chiến với Covid-19 còn kéo dài, lực lượng y tế cần được bảo vệ sức khỏe tốt nhất

Dẫn chứng cho luận điểm trên, ông Nguyễn Thiện nhân chỉ ra: "Hiện nay tại TPHCM với số liệu cụ thể có 46 người nhiễm đang điều trị thì 1 triệu dân chỉ có khoảng 5 người nhiễm bệnh. Tại Hải Dương là 330 người đang điều trị Covid-19 tương đương 175 người bệnh trên 1 triệu dân. Cường độ lây nhiễm của Hải Dương so với TPHCM gấp 34 lần. Tại Quảng Ninh với 53 người đang điều trị, tương đương 46 người nhiễm bệnh trên 1 triệu dân, gấp 9 lần so với TPHCM. Nếu gọi chung thuật ngữ là các tỉnh đang có dịch thì sẽ gây nên sự căng thẳng không cần thiết. Chưa nên dùng thuật ngữ 13 tỉnh đang có dịch".

Không được để đội ngũ y tế quá tải trong cuộc chiến chống Covid-19 - 5
Nhiều bệnh viện đã chủ động lấy mẫu xét nghiệm để bảo vệ sự an toàn cho đội ngũ y tế trước khi phục vụ người bệnh

Để cụ thể hóa tỉnh thành nào có dịch hoặc chỉ ở mức độ lây nhiễm, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế đưa ra các tiêu chí cụ thể. "Nếu các tỉnh thành phố trong nhóm tiêu chí đang có dịch thì phải thực hiện các biện pháp cương quyết, chủ động. Với các tỉnh chưa xác định ở mức độ dịch thì cần phân loại mức độ lây nhiễm nhẹ, lây nhiễm trung bình và lây nhiễm cao. Căn cứ theo mỗi mức sẽ có các quy tắc ứng xử tương ứng giúp những đơn vị liên quan thực hiện triệt để".

Không được để đội ngũ y tế quá tải trong cuộc chiến chống Covid-19 - 6

Những chiến sĩ áo trắng đang là tường thành chốt chặn, bảo vệ sự an toàn cho toàn xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu ý kiến đóng góp từ ông Nguyễn Thiện Nhân và đề nghị TPHCM nghiên cứu các giải pháp hợp lý theo những phương án được ông đề xuất để nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19.