1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Không bàn lùi việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản doanh nghiệp nhà nước”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chuyện “nước đã đến chân, đừng hy vọng vài tiếng nói lạc lõng của cơ quan chủ quản mà có thể thay đổi được chủ trương đó”…

Tại cuộc họp báo chuyên đề sáng 27/5 về Nghị quyết 35 mà Chính phủ mới ban hành về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, một vấn đề được đặt ra là tiến trình gỡ bỏ cơ chế “bộ chủ quản” để “cởi trói” cho DNNN cũng như đảm bảo sự công bằng giữa khối DN này với các DN dân doanh, đặc biệt là cộng đồng DN vừa và nhỏ hiện nay.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông tại cuộc họp báo chuyên đề về Nghị quyết 35.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông tại cuộc họp báo chuyên đề về Nghị quyết 35.

Nghị quyết 35 là Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất xây dựng, sau cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng DN khi vừa nhậm chức. Dự thảo ban đầu của Nghị quyết trình ra Chính phủ có nội dung đáng chú ý về việc bỏ dần cơ chế “bộ chủ quản” trực tiếp nắm giữ các DNNN. Tuy nhiên, được biết, quá trình thảo luận tại phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ mới, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Với câu hỏi, dư luận đang đặt vấn đề những bộ, ngành nào vẫn không muốn từ bỏ quyền lợi, vẫn muốn “ôm” mảng miếng của mình của mình mà PV Dân trí đặt ra, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông trả lời, việc lập một cơ quan đứng ra để đại diện quyền quản lý nhà nước tại các DNNN thay cho cơ chế “bộ chủ quản” đang được bàn bạc, thảo luận. Đây là 1 chủ đề khoa học, phải nghiên cứu, nghe ngóng từ nhiều góc độ khác nhau, từ cơ quan quản lý, từ góc độ các DN…

Và rất trùng hợp, Thứ trưởng Đông thông tin, trong sáng 27/5, ông cũng phải dự hội thảo đối thoại chính sách về khó khăn thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước diễn ra tại Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) để trả lời câu hỏi này.

Theo con số được công bố, Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các DN. Nếu tính toàn bộ các DN có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỷ đồng.

Mà kinh nghiệm cho thấy, thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm.

Việc lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước là câu chuyện đã được bàn nhiều năm ở nhiều cấp. Thực tiễn đều chứng minh là để cải thiện quản trị DNNN cần có cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu tách khỏi chức năng quản lý Nhà nước. Nhưng từ thực tiễn đến hoạch định chính sách có khoảng cách lớn.

Dự thảo nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu do CIEM xây dựng dự kiến quy định, với tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, sẽ chuyển từ bộ quản lý ngành như hiện nay về một cơ quan chuyên trách. Các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh khác chuyển về TCty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Doanh nghiệp Nhà nước địa phương, công ích, quốc phòng, an ninh vẫn do uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay.

Cuối giờ làm việc sáng 27/5, Thứ trưởng Đông lại cùng chủ trì đối thoại chính sách về việc lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước thay cho cơ chế bộ chủ quản.
Cuối giờ làm việc sáng 27/5, Thứ trưởng Đông lại cùng chủ trì đối thoại chính sách về việc lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước thay cho cơ chế bộ chủ quản.

Cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước được lập là cơ quan thuộc Chính phủ, có tên gọi dự kiến là UB đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN, thực hiện chuyển giao dần theo lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2020.

Phát biểu ở phần cuối buổi hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, đồng nghĩa với việc xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ. Việc tổ chức đối thoại là để nhận diện khó khăn, thuận lợi khi thực hiện việc này, bàn cách làm chứ không phải bàn lại về chủ trương, “không có chuyện bàn lùi”.

“Nước đã đến chân rồi, đừng hy vọng vài tiếng nói lạc lõng không đủ thuyết phục của cơ quan chủ quản mà có thể thay đổi được chủ trương đó” – ông Đông nhấn mạnh.

Về mô hình tổ chức, cần xác định cơ quan này có thuộc Chính phủ hay không, về thẩm quyền, cần xác định cơ quan này có phải cơ quan ngang bộ hay không, Thứ trưởng Đông tán thành hướng đề xuất của CIEM. Ông Đông phân tích, cơ quan này cần thuộc Chính phủ mới đủ tầm để quản lý lượng vốn và tài sản khổng lồ của nhà nước, đều lên đến hàng triệu tỷ, chiếm hơn 1/3 GDP của cả nước.

Ông Đông thông tin: “Con số tài sản gần đây nhất mà tôi nhận được bao gồm cả doanh nghiệp và và ngân hàng thương mại thì tài sản là 5 triệu tỷ, gấp hai lần GDP, nợ cũng khổng lồ, lên đến 1,3 triệu tỷ. Toàn là triệu tỷ cả, không phải nhỏ, vì thế, tầm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phải xứng đáng”. Tuy nhiên, Thứ trưởng KH-ĐT cũng nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa cứ điều cán bộ nào thật to về nắm cơ quan đó là làm được. Vấn đề này do cách xác định chức năng quyền hạn của cơ quan này quyết định.

P.Thảo