Khốn khổ cảnh ăn đường, ngủ lán của người nhà F0 nặng, có bệnh nền
(Dân trí) - Bao nhiêu ngày bệnh nhân có bệnh nền chuyển sang khu điều trị F0 là bấy nhiêu ngày người thân của họ thấp thỏm chờ đợi trong cảnh ăn bờ, ngủ lán, thiếu thốn đủ bề.
Ăn bờ, ngủ lán
Trước cổng khu điều trị bệnh nhân F0 thuộc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An là một dãy lều tạm. Gọi là lều nhưng thực chất chỉ là một tấm vải bạt buộc từ tường rào xuống vỉa hè.
Trong những lều bạt tạm bợ ấy là những chiếc giường bố kê san sát nhau. Nằm chán, bà Lê Thị Nam (quê huyện Anh Sơn, Nghệ An) ngồi dậy, luôn tay quạt tấm bìa để xua tan cái nóng rồi tán gẫu với những người trong lán cho nhanh qua thời gian.
Chị chồng bà Nam vốn bị bệnh thần kinh, phải điều trị từng đợt tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An. Cách đây 5 ngày, trước khi tái nhập viện, bệnh nhân được test Covid-19 cho kết quả dương tính, được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới điều trị.
"Bên bệnh viện cũ mình được ở trong phòng bệnh để hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân, sang khu điều trị Covid-19 thì không được vào, cũng không dám về. Phải "canh" ở đây để bác sĩ yêu cầu gì hay bệnh nhân cần gì còn kịp thời mua gửi vào", bà Nam nói.
Bà Nam phải thuê một chiếc ghế bố và một chiếc màn để làm chỗ ngả lưng, chống muỗi với giá 250 nghìn đồng. Bà được "cò" phân cho một chỗ nằm trong lán tạm, ngay đối diện cổng Trung tâm nhiệt đới. "Nằm thôi chứ không ngủ được. Hôm qua nắng thì nóng hầm hập, tối trời lại mưa, nước tạt cả vào chỗ nằm, chưa kể muỗi, dĩn vo ve suốt đêm rồi xe cứu thương chạy vào chạy ra nữa", bà Nam kể tiếp.
Nằm dưới nắng, dưới mưa, người khỏe cũng thành người ốm. Cứ thấy sụt sịt bà Nam sợ bản thân cũng mắc Covid-19 lại lật đật đi mua que test, mỗi lần test mất thêm gần 100 nghìn đồng.
Tương tự, chị Trần Thị Niềm (trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) túc trực trước cổng kể từ khi chồng chị được chuyển sang khu điều trị bệnh nhân F0. Anh Đào Sỹ Hiển - chồng chị Niềm bị xuất huyết dạ dày, tiểu đường, điều trị tại bệnh viện tuyến huyện một thời gian thì phát hiện mắc Covid-19 nên được chuyển vào đây.
"5 ngày chồng vào viện cũng là 5 ngày tôi ở ngoài này chịu ảnh ăn bờ, ngủ bụi. Cái gì cũng đắt đỏ, dây sữa loại rẻ nhất cũng 30 nghìn đồng, trong khi ở quê tôi bán có 23 nghìn đồng, suất cơm bụi lèo tèo cũng 20-25 nghìn đồng. Mỗi lần tắm rửa phải vào nhà nghỉ, 15 nghìn đồng nếu tắm nước nóng, 10 nghìn đồng tắm nước lạnh, mà tắm lâu tí người ta nhắc ngay", chị Niềm kể tiếp.
Với người nhà F0 có bệnh nền, họ đều đã trải qua thời gian dài đi chăm người bệnh nhưng "chưa bao giờ thấy khổ như thế này". Bệnh nặng, điều trị lâu dài tốn kém nên tiết kiệm được cái gì thì cố gắng bởi còn phải "chiến đấu" lâu dài.
Họ chấp nhận dãi nắng, dầm mưa, ăn bờ, ngủ lán để tiết kiệm thêm trong thời gian không may người nhà mắc Covid-19. "Hôm qua có đoàn thiện nguyện đến tặng cái bánh chưng, chia làm 2 bữa, tiết kiệm được 50 nghìn đồng", bà Nam nói.
Mong thành... F0
Bà Lê Thị Chiến, quê huyện Yên Thành (Nghệ An) nhưng theo chồng con chuyển vào sinh sống ở Tây Nguyên từ lâu. Hồi cuối năm ngoái, cụ Phan Thị Khuyến, mẹ bà Chiến, 82 tuổi bị tắc tĩnh mạch khiến bàn chân bị hoại tử, phải cắt mất một nửa. Người già, lắm bệnh, phải có người thường xuyên túc trực chăm sóc nên bà Chiến quyết định về quê, vào viện chăm mẹ.
Cách đây 5 ngày, cụ Khuyến bị mắc Covid-19, được chuyển vào khu điều trị, bà Chiến cũng khăn gói dọn ra trước cổng, thuê một chỗ nằm để trực mẹ. "Từ hôm bà cụ nhà tôi vào trong đấy tôi cũng không biết tình hình thế nào, có ăn uống được không, bệnh tình có chuyển biến nặng không. Cứ mỗi lần bác sĩ gọi là giật mình thon thót. Biết bị Covid-19, lại bệnh nền nữa, mình có lo cũng không giúp được gì nhưng ở ngoài cổng dù sao cũng yên tâm hơn", bà Chiến mệt mỏi vì mất ngủ lâu ngày, chia sẻ.
"Lắm lúc nghĩ khôn nghĩ dại, đi test Covid-19 chỉ mong nó lên 2 vạch. Có thế may ra mới được vào khu điều trị mà chăm chồng". Nghe bà Chiến tâm sự, chị Niềm ngồi phía xa nói vọng lại.
Ở đây, người nhanh nhất thì nếm trải cảnh ăn bờ ngủ lán 7-10 ngày, người lâu thì phải đến 20 ngày. Nhưng dù sao họ cũng thấy may mắn vì người thân của mình đã điều trị khỏi Covid-19. Có những người hôm qua mới chung nhau chiếc bánh mỳ, chia nhau từng chai nước, hôm sau đã phải từ biệt bởi người thân không qua khỏi...
Với những người nhà F0 có bệnh nền nặng đang điều trị tại đây, cái sự ăn, ở đã khổ thì vệ sinh còn khổ gấp trăm nghìn lần. Khu vực điều trị không vào được, mà ngoài này biết lấy đâu ra công trình vệ sinh, nên mấy chục con người cứ thẳng hướng bụi tre cách đó mấy trăm mét để "giải quyết".
"Ăn, ở thiếu thốn chúng tôi chịu khó, chịu khổ được nhưng không có nhà vệ sinh thì đúng là hết khổ luôn. Chỉ mong bệnh viện hay các cấp xem xét làm cho cái nhà tắm và cái nhà vệ sinh công cộng, mỗi lần sử dụng chúng tôi trả tiền cũng được, chứ lâu dài mà như thế này thì không ổn", bà Chiến mong mỏi.