Cả nhà F0, cấm ra ngoài thì ai đi chợ?

Khả Vân

(Dân trí) - Việc Bộ Y tế có hướng dẫn cho F0 ra khỏi nhà, sau đó lại "đính chính" F0 chỉ được ra khỏi phòng, gây nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều. Trong đó, đại đa số ý kiến cho rằng văn bản thiếu thực tế.

Văn bản dễ gây hiểu lầm

Số người mắc Covid-19 tăng vọt thời gian này làm xuất hiện ngày càng nhiều những "gia đình F0", thậm chí "đại gia đình F0" như trường hợp của chị Thu Hoài ở quận Hà Đông, Hà Nội.

Gia đình nhỏ của chị gồm 4 thành viên đều trở thành F0 chỉ trong vòng 3 ngày, bên nội và cả bên ngoại gồm bố mẹ, anh chị em của chị cũng đều trở thành F0 nên việc hỗ trợ nhau thời gian này là không thể. Chính vì vậy, dù là F0 nhưng chị vẫn buộc phải ra ngoài đi chợ mua thực phẩm, thuốc men và vật dụng cần thiết cho cả gia đình trong những ngày này.

Cả nhà F0, cấm ra ngoài thì ai đi chợ? - 1

Chị Hoài cho rằng, việc F0 phải lên phường chen chân khai báo không khác gì phải ra ngoài đi chợ, đi làm (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

Chị cho biết, có những mặt hàng không thể mua online được, hoặc mua được thì phải chờ đến vài ngày nên chị buộc phải tự đi mua. Bên cạnh đó, việc phải lên phường chen chúc để khai báo cho cả gia đình là F0 - theo chị cũng chẳng khác gì việc đi mua bán thực phẩm.

Nói về quy định cách ly mới của Bộ Y tế, chị Hoài cho rằng: "Đã là cách ly trong nhà thì tùy điều kiện mỗi gia đình người ta tự biết, cần gì đến việc các bác ra văn bản cho ra khỏi phòng hay không? Người nhà cùng sinh hoạt với nhau trong nhà nên họ đi ra đi vào từ phòng ngủ đến phòng khách không có cơ quan nào có thể kiểm soát được, quan trọng là ý thức của F0 khi ở trong nhà".

Đồng quan điểm với chị Hoài, anh Giang (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận xét hướng dẫn của Bộ Y tế không thực tế, bởi việc F0 đi ra ngoài hay không hiện còn không quản nổi, tính gì đến chuyện F0 đi lại trong nhà như thế nào. Quan trọng là ý thức của mỗi người, tự cách ly và giữ gìn cho nhau.

Hơn nữa, theo anh Giang, rất nhiều nhà cả nhà lần lượt là F0, không ra ngoài đi chợ thì lấy gì ăn? Không đi bệnh viện, ra nhà thuốc mua thuốc lấy thuốc đâu mà uống? Trước đây giãn cách, cách ly có cán bộ đi chợ hộ rồi phát lương thực, bây giờ "sống chung với dịch" thì không thể áp dụng quy định cũ.

Anh Lê Hải ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ, dù đang là F0 nhưng do triệu chứng rất nhẹ mà công việc lại đang ùn ứ, anh vẫn tranh thủ lên cơ quan làm việc. Anh cho rằng việc thực hiện 5K kỹ càng và ngồi ở phòng riêng làm việc không tiếp xúc với ai, thì vẫn có thể chấp nhận được; chứ không thể để công việc ùn ứ.

Anh Hải nêu quan điểm: "Theo tôi quy định nên sát với thực tế hiện nay, khi Chính phủ đã có chủ trương giao Bộ Y tế nghiên cứu tiến đến dần coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Đã là bệnh đặc hữu thì việc F0 ra đường là điều bình thường, tôi nói thật rất nhiều bạn bè của tôi là F0 vẫn ra đường, vẫn phải đi làm. Chấp nhận mở cửa thì chúng ta cũng nên chấp nhận sống chung và những quy định cách ly cho F0 cũng không còn phù hợp nữa rồi".

F0 không khai báo, căn cứ đâu để phạt? 

Một thực tế hiện nay là rất nhiều F0 không khai báo, hoặc cả gia đình cùng bị F0 nhưng chỉ 1-2 người khai báo. Lý do trước hết là việc khai báo theo nhiều người là "không có tác dụng gì". F0 báo y tế phường, phường cũng chỉ gọi điện bảo ở nhà mua thuốc sốt, ho, đau họng uống, 7 ngày sau lên y tế phường xét nghiệm lại xác nhận hết bệnh. Như vậy là F0 vẫn phải tự ra ngoài mua thuốc, tự điều trị...

Cho rằng quy định thiếu tính thực tiễn, bạn đọc Hải Trang phân tích: "Quy định F0 không được ra khỏi nhà, nếu vi phạm thì sao? Ai kiểm tra người đi ngoài đường phải là F0 hay không? Không cho ra khỏi nhà vậy xem xét gì nữa việc cho F0 đi làm?

Theo tôi, hãy sửa quy định đối với ca nhiễm bệnh, một khi nghi ngờ hoặc có triệu chứng thì chỉ tập trung test chỉ số CT (nồng độ virus, thực tế là số lần khuếch đại nhân bản lên khi test, số càng lớn nói lên rằng nồng độ virus càng thấp nên phải khuếch đại lên gấp nhiều lần mới phát hiện ra vết trace). Nếu dưới 30 thì xem là nhiễm và có khuyến cáo phòng ngừa đưa ra. Việc test nhanh gần đây chỉ thấy sự lãng phí lớn vật tư y tế, không hiệu quả trong phòng bệnh, nó không phản ánh lên được nguy cơ tiềm ẩn".

Ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 gồm cả hướng dẫn cho trẻ nhỏ và người lớn. Trong đó, tại mục 5.4 có quy định các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm mà người mắc Covid-19 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà phải thực hiện.

Theo đó, người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.

Quy định này được nhiều người hiểu rằng, F0 có thể ra khỏi nhà khi cần thiết.

Ngay trong tối 14/3, Bộ Y tế đã lên tiếng "đính chính" về thông tin trên. Theo đó, "nơi cách ly" cần được hiểu là phòng cách ly trong nhà. F0 chỉ được rời khỏi phòng cách ly và đi lại trong nhà, với điều kiện đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách với người trong nhà.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm