Khai mạc Army Games 2021 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam
(Dân trí) - Sáng nay, đúng 7h26 ngày 31/8, Lễ khai mạc Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) năm 2021 tại Việt Nam chính thức diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4 (Miếu Môn, Hà Nội).
Dự Lễ khai mạc có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chuẩn Đô đốc Subbotin Andrey Nikolaevich, đại diện Ban Tổ chức Hội thao Quân sự quốc tế 2021 của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga; Đại sứ quán và Tùy viên quân sự các nước có đội tuyển tham dự cuộc thi.
Cuộc thi "Xạ thủ bắn tỉa" và "Vùng tai nạn" trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế - 2021 do Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng cai tổ chức, có hơn 100 vận động viên đến từ các nước gồm Cộng hòa Nhân dân Bangladesh, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Mali, Liên bang Nga, Cộng hòa Uzbekistan, Cộng hòa Boliva Venezuela, cùng các đội tuyển của nước chủ nhà Việt Nam.
Có 2 nước đăng ký tham gia với tư cách quan sát viên là Thái Lan và Singapore. Trong đó, Cuộc thi "Xạ thủ bắn tỉa" có 8 đội tuyển tham gia gồm: Lào, Venezuela, Bangladesh, Belarus, Nga, Uzbekistan và Việt Nam cử 2 đội tuyển.
Cuộc thi "Vùng tai nạn" có 6 đội tuyển tham gia gồm: Mali, Nga, Lào, Belarus và Việt Nam cử 2 đội tuyển.
Các đội tuyển sẽ tham gia thi đấu từ ngày 31/8 đến ngày 3/9, tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4.
Từ năm 2018 đến năm 2020, Bộ Quốc phòng đã 3 lần cử đoàn tuyển thủ tham gia Hội thao Quân sự quốc tế do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tổ chức. Năm 2021, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử 18 đội tuyển thuộc 15 cơ quan, đơn vị tham gia thi đấu ở 15 nội dung: Xe tăng hành tiến, Lộ trình an toàn, Kinh tuyến, Đội quân văn hóa, Xạ thủ chiến thuật, Cúp biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (tại Nga); Người bạn trung thành (tại Algieria); Kỹ năng thành thục (tại Belarus); Thợ quân khí giỏi (tại Iran); Pháo thủ giỏi (tại Kazakhstan); Môi trường an toàn (tại Trung Quốc); Tiếp sức quân y, Bếp dã chiến (tại Uzbekistan); "Xạ thủ bắn tỉa" và "Vùng tai nạn" (tại Việt Nam).
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Thammưu trưởng QĐND Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi "Xạ thủ bắn tỉa" và"Vùng tai nạn" trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế tại Việt Nam chàomừng các Vị Đại sứ, Tùy viên các nước, Đoàn tuyển thủ Quân đội các nước đến
Việt Nam tham dự cuộc thi.
Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng cai tổ chức Cuộc thi "Xạ thủ bắn tỉa" và "Vùng tai nạn" là vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và QĐND Việt Nam nói riêng.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tập trung nỗ lực cao nhất làm tốt công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, hoạt động văn hóa tinh thần để phục vụ tốt nhất các cuộc so tài đỉnh cao, các hoạt động giao lưu văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng.
Cuộc thi lần này, góp phần hướng tới xây dựng lực lượng vũ trang ở mỗi nước ngày càng hùng mạnh, bảo vệ sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đóng góp tích cực công cuộc chống đói nghèo, xung đột sắc tộc, phòng chống khủng bố, ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển trên toàn thế giới; đồng thời nâng cao kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm khai thác, sử dụng bảo đảm khí tài, thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa quân đội các nước.
Sau Lễ khai mạc, các đại biểu tham dự Khai trương không gian văn hóa và triển lãm vũ khí trang bị trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng cai tổ chức 2 nội dung thi đấu trong khuôn khổ Army Games 2021 với sự tham gia của 8 quốc gia trên thế giới.
Năm nay, Việt Nam đăng cai tổ chức 2 nội dung "Xạ thủ bắn tỉa" và "Vùng tai nạn" trong khuôn khổ Army Games 2021, với sự tham gia của 8 đội đến từ Nga, Lào, Belarus, Mali, Uzbekistan, Bangladesh, Venezuela và chủ nhà Việt Nam. Army Games năm 2021 tại Việt Nam sẽ bế mạc vào ngày 4/9.
Sát giờ khai mạc, mọi công tác chuẩn bị từ thao trường, bãi tập đến nơi ăn, chốn ở của đoàn vận động viên các nước tham gia đã hoàn tất.
Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện thi đấu tốt nhất, công tác phòng dịch cũng được kiểm soát, thực hiện rất nghiêm ngặt. Toàn bộ lực lượng có mặt tại khu vực diễn ra hội thi đều được kiểm tra sức khỏe và 100% đáp ứng yêu cầu.
Các trưởng đoàn đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị, tổ chức của Việt Nam. Trong điều kiện dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới còn phức tạp, nước chủ nhà không chỉ bảo đảm sức khỏe vận động viên, nơi ăn ở và các điều kiện sinh hoạt mà còn có nhiều hoạt động bên lề, giúp nước bạn tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
Sau lễ thượng cờ sáng 30/8, các đội tham gia lễ bốc thăm. Buổi chiều cùng ngày, các đoàn có thời gian tham quan, nghe giới thiệu khu vực trường đấu từ Ban tổ chức.
Tham gia tranh tài tại nội dung "Xạ thủ bắn tỉa" có đội tuyển 7 quốc gia, gồm: Việt Nam, Nga, Belarus, Lào, Bangladesh, Venezuela và Uzbekistan. Riêng nước chủ nhà Việt Nam có 2 đội tuyển thi đấu là Thăng Long và Long Bình. Tuy nhiên, chỉ có Đội tuyển Thăng Long được tính thành tích thi đấu.
Sau khi bốc thăm, đội tuyển Nga sẽ thi đấu đầu tiên ở giai đoạn một của nội dung "Xạ thủ bắn tỉa". Vị trí thi đấu thứ 2 đến thứ 8 lần lượt là Belarus, Uzbekistan, Lào, Bangladesh, Long Bình (Việt Nam), Venezuela và Thăng Long (Việt Nam).
Nội dung "Vùng tai nạn" có đội tuyển của 5 quốc gia tham gia thi đấu, gồm: Nga, Mali, Lào, Belarus và Việt Nam. Riêng Việt Nam có 2 đội là Việt Nam 1 và Việt Nam 2.
Kết quả bốc thăm chặng một "Vượt chướng ngại vật đặc biệt" của nội dung thi "Vùng tai nạn" xác định các cặp đấu: Cặp 1 (Mali và Belarus), Cặp 2 (Việt Nam 1 và Lào), Cặp 3 (Việt Nam 2 và Nga).
Chặng 2 "Tiếp sức" xác định các cặp: Cặp 1 (Lào và Việt Nam 1), Cặp 2 (Nga và Belarus), Cặp 3 (Việt Nam 2 và Mali).
Theo Ban Tổ chức, đối với nội dung "xạ thủ bắn tỉa", cuộc thi diễn ra bốn giai đoạn, trong đó, giai đoạn đầu là đánh giá kỹ năng cá nhân, giai đoạn thứ hai là đánh giá theo cặp, giai đoạn thứ ba là đánh giá đồng đội và giai đoạn thứ tư là đánh giá tốc độ. Mỗi giai đoạn có các bài thi khác nhau, với một bài thi có vai trò ưu tiên để xét thứ hạng trong trường hợp có hai đội bằng điểm. Thành tích của giai đoạn đầu tiên quyết định việc chia bảng cũng như nội dung thi đấu ở các giai đoạn sau.
Ba loại vũ khí được sử dụng cho cuộc thi là súng ngắn Makarov K59, súng trường tự động AK74 và súng bắn tỉa SVD 7,62 mm.
Với nội dung "xạ thủ bắn tỉa", mỗi đội thi gồm tối đa 9 người (một đội trưởng, một huấn luyện viên, một thông dịch viên và 6 xạ thủ (4 chính thức, 2 dự bị).
Các đội dự thi phải trải qua 23 bài bắn, chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn một thi "Cá nhân": 9 bài bắn; Giai đoạn 2 "Cặp xạ thủ": 7 bài bắn; Giai đoạn 3 "Đồng đội": 5 bài bắn; Giai đoạn 4 "Ai nhanh hơn": 2 bài bắn.
Đối với nội dung "vùng tai nạn", cuộc thi với sự tham gia của các đơn vị ứng cứu. Mỗi đội thi gồm tối đa 15 người, trong đó một người là đội trưởng, một người khác là người bảo hiểm và mười người là tuyển thủ. Cuộc thi diễn ra trong 3 giai đoạn: vượt chướng ngại đặc biệt, tiếp sức và về đích. Trong cuộc thi, các đội phải vượt qua các chướng ngại vật bao gồm các mảnh vỡ, hỏa hoạn và hố sụt trên đường. Đồng thời, nhiệm vụ không chỉ là vượt qua thành công, mà còn bao gồm việc đáp ứng các yêu cầu bổ sung của cuộc thi, chẳng hạn như dập lửa hoặc cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân giả định.