1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Chiến mã bọc thép" 4 nước tranh ngôi vô địch Bảng 1 "Xe tăng hành tiến"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Azerbaijan là 4 cái tên xuất sắc nhất Bảng 1 cuộc thi "Xe tăng hành tiến" năm nay và bước vào trận tranh tài cuối cùng để tìm ra đội vô địch.

Xem video tường thuật trận đấu của báo Quân đội nhân dân:

Chiến mã bọc thép 4 nước tranh ngôi vô địch Bảng 1 Xe tăng hành tiến - 1

Một xe tăng T-72B3 (Ảnh: Reuters).

Trận chung kết "Xe tăng hành tiến" Bảng 1 diễn ra trong bối cảnh thao trường Alabino trải qua mưa lớn trước đó nên địa hình rất lầy lội ảnh hưởng tới màn thi đấu của các đội xe tăng. Tốc độ tối đa của các đội vì vậy cũng bị giảm hẳn so với các vòng trước đó.

Tuy nhiên, Nga đã có một ngày thi đấu xuất sắc khi tiêu diệt 21/24 mục tiêu với thành tích tạm thời là 1 giờ 36 phút 49 giây. Trung Quốc cán đích ở vị trí thứ 2 với thành tích 1 giờ 47 phút 20 giây, bắn trúng 19/24 mục tiêu. Kazakhstan có thành tích tạm thời tốt thứ 3 với thời gian 2 giờ 3 phút 4 giây, bắn trúng 19/24 mục tiêu. Azerbaijan có thành tích tạm xếp thứ 4, khi bắn trúng 14/24 mục tiêu với thời gian là 2 giờ 4 phút 58 giây.

Ban Tổ chức sẽ xem xét lại trận đấu và đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, với cách biệt lớn với các đội còn lại như vậy, Nga gần như nắm chắc chức vô địch Bảng 1, tiếp tục duy trì chuỗi thành tích dẫn đầu trong nhiều năm qua.

Trận chung kết Bảng 1 cuộc thi "Xe tăng hành tiến" trong khuôn khổ Hội thao Quân sự Quốc tế (Army Games) 2021 diễn ra vào 15h30 ngày 4/9 (giờ Moscow), tức 19h30 (giờ Việt Nam) tại thao trường Alabino, ngoại ô thủ đô Moscow, Nga.

Sau 2 trận bán kết gay cấn, 4 đội tuyển từ Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Azerbaijan đã đạt thành tích tốt nhất và chính thức bước vào trận đấu quyết định.

Azerbaijan dùng xe tăng màu đỏ, Trung Quốc dùng xe tăng màu vàng, chủ nhà Nga dùng xe tăng xanh dương và Kazakhstan dùng xe tăng xanh lá cây.

Ngoại trừ Trung Quốc mang xe tăng nội địa qua thi đấu, 3 đội còn lại dùng xe tăng T-72B3 do chủ nhà cung cấp.

Năm ngoái, trận chung kết Bảng 1 đã diễn ra với bầu không khí nghẹt thở và quyết liệt, khi đội xe tăng Nga - đương kim vô địch - chỉ hơn đội á quân Trung Quốc đúng 36 giây.

Năm nay, đội Nga cũng có những màn trình diễn ấn tượng khi xe tăng T-72B3 do họ điều khiển có những thời điểm đã đạt tới vận tốc 83 km/h, giúp đội Nga luôn luôn có những màn nước rút thần tốc và thời gian thi đấu ấn tượng.

Ngoài ra, 3 đội đối thủ của Nga cũng là những đội tăng đáng gờm, hứa hẹn Nga dồn sức để có thể bảo vệ ngôi vương mà họ nắm giữ nhiều năm qua.

Kết quả trận chung kết Bảng 2

Ngày 3/9, tại thao trường Alabino, ngoại ô Moscow, Nga, trận chung kết Bảng 2 đã diễn ra. Ban tổ chức đã công bố kết quả chung cuộc trên trang web chính thức.

Theo đó, Kyrgyzstan đã xuất sắc về nhất với thời gian 2 giờ 16 phút 50 giây, bắn trúng 11/24 mục tiêu. Tajikistan xếp ở vị trí thứ 2 với thời gian 2 giờ 20 phút 3 giây, bắn trúng 5/24 mục tiêu. Myanmar có thành tích đứng thứ 3 với 2 giờ 28 phút 5 giây, bắn trúng 8/24 mục tiêu. Nam Ossetia có thành tích xếp thứ 4 là 2 giờ 29 phút 6 giây và bắn trúng 3/24 mục tiêu.

Với kết quả như vậy, Kyrgyzstan đã chính thức giành được suất thăng hạng lên thi đấu ở Bảng 1 vào năm sau.  

Năm ngoái, đội tuyển xe tăng Việt Nam đã xuất sắc giành chức vô địch Bảng 2 và tại giải đấu năm nay đã trụ hạng thành công ở Bảng 1.

Thể lệ vòng chung kết

Vòng bán kết và chung kết của "Xe tăng hành tiến" được tiến hành theo thể thức đua tiếp sức trên đường chạy với 10 chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo. Tại phần thi này, 3 kíp xe cho một đội và các kíp xe luân phiên sử dụng 1 xe tăng để thi đấu. Trong trường hợp xe tăng thi đấu gặp trục trặc kỹ thuật được Ban tổ chức xem xét chuyển sang sử dụng xe tăng dự phòng.

Tại vòng đua tiếp sức, mỗi kíp xe tăng chạy 4 vòng, bao gồm vượt chướng ngại vật và tiêu diệt 8 mục tiêu theo quy định. Độ khó của các bài thi cũng được nâng lên đáng kể so với vòng loại. Đối với mục tiêu của pháo tăng, đội thi phải bắn mục tiêu ở trạng thái hành tiến (pháo ngang). Phần thi bắn súng máy 12,7 mm ngoài bia số 25, xạ thủ phải bắn thêm bia số 11 giả lập pháo chống tăng.

Cụ thể:

+ Vòng 1: Đua tốc độ có chướng ngại vật.

+ Vòng 2: Trong vòng đua có hành tiến bắn đạn pháo trong khi xe chạy ngang vào 3 mục tiêu xe tăng (bia số 12).

+ Vòng 3: Trong vòng đua có bắn súng máy 12,7 mm vào các mục tiêu máy bay trực thăng treo (bia số 25) và pháo chống tăng (bia số 11).

+ Vòng 4: Trong vòng đua có bắn súng máy song song vào mục tiêu xạ thủ mang súng chống tăng cá nhân (3 bia số 9).

Thứ tự thực hiện các vòng thi có thể thay đổi tùy tình hình trên thao trường, theo điều hành của chỉ huy chung để đảm bảo an toàn và trật tự trong thi đấu. Các đội đến tuyến bắn trước được ưu tiên chọn lựa các bài bắn mục tiêu. Điểm đặc biệt của vòng đua tiếp sức là ngoài sự nỗ lực trong thi đấu, còn là sự phối hợp, hiểu ý của các kíp lái với nhau trong quá trình đổi kíp. Kết quả chung cuộc là tổng thời gian cả 3 kíp xe hoàn thành vòng thi.

Dòng sự kiện: Army Games 2021