IPU-132 bàn hướng “cứu” 1.500 thai phụ tử vong mỗi ngày trên toàn thế giới
(Dân trí) - Ngày 31/3, UB Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền IPU-132 thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết IPU 126 (năm 2012) về “Quyền cơ bản về tiếp cận y tế: Vai trò của Quốc hội trong việc giải quyết những thách thức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em”.
Đại biểu của 20 đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định ngân sách cho việc thực hiện các cam kết trên. Một số ý kiến cho rằng tuy đã có nhiều thành tựu trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị, ngân sách cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em nói riêng gặp khó khăn; các Nghị viện cần chuyển sự quan tâm thành hành động thông qua việc đưa ra các điều luật mới, tăng ngân sách, giám sát thực tế, nâng cao nhận thức của xã hội; duy trì các cam kết chính trị trong các nghị viện và các cơ quan giám sát IPU; tăng cường hỗ trợ và hợp tác giữa các thành viên IPU và các đối tác toàn cầu.
Cũng trong ngày 31/3, UB thường trực của IPU-132 về các vấn đề LHQ đã tiến hành hai phiên họp về sự hợp tác giữa IPU và LHQ. Tại chuyên đề “Rà soát các nhiệm vụ thực địa của IPU để đánh giá sự phối hợp giữa các nhóm điều phối LHQ tại bản địa”, các đại biểu đã thảo luận về sự phối hợp giữa nghị viện của các nước với các cơ quan của LHQ tại mỗi quốc gia. Đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tham gia của nghị viện quốc gia vào các công việc của LHQ.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm thành công trong việc IPU và LHQ hỗ trợ nghị viện các nước về công tác lập pháp, giám sát thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), nâng cao năng lực phụ nữ, bình đẳng giới, đào tạo kỹ năng nghị viện trong kỷ nguyên kỹ thuật số, dân chủ hóa, bình đẳng giới ở cấp địa phương.
Tại chuyên đề “Về năng lực của các nghị viện đưa việc xây dựng, thực hiện SDGs vào trong các hoạt động của mình”, các đại biểu tập trung đánh giá khả năng của các nghị viện trong triển khai lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ; các biện pháp mà nghị viện mỗi nước đưa ra để đảm bảo chính sách của Chính phủ phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, vai trò của nghị viện trong giám sát thực hiện các chính sách; vai trò của các cơ quan chuyên trách, giúp việc cho nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu MDGs.
Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh đã nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới” để trình lên Đại hội đồng IPU-132. Từ một văn bản gồm 15 điều, Dự thảo Nghị quyết đã được các nước bổ sung thành 33 điều, trong đó kêu gọi các nghị viện quốc gia nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý của nước mình nhằm ngăn ngừa các nguy cơ tội phạm mạng, thúc đẩy Nghị viện các nước xây dựng các chiến lược an ninh mạng, vừa đảm bảo phát triển công nghệ thông tin và quyền tiếp cận của người dân đối với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng; tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế trong các phương thức bảo vệ không gian mạng, chống các hành động tội phạm công nghệ cao, tiến tới thiết lập các thỏa thuận quốc tế ngăn ngừa chiến tranh mạng. Đoàn Việt Nam đã đóng góp 8 ý kiến và được ghi nhận trong Dự thảo.
UB Thường trực về Phát triển bền vững, tài chính và thương mại đã thông qua Dự thảo Nghị quyết “Định hướng cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước”. Đồng thời, UB cũng nhất trí chọn nội dung liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa thế giới do Bỉ đề xuất làm nội dung làm việc của Ủy ban tại các Đại hội đồng tiếp theo.
Cũng trong ngày 31/3, Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) đã tiếp tục chương trình làm việc với các nội dung bầu Phó Chủ tịch Hiệp hội ASGP; bầu bổ sung 02 thành viên cho Ban Chấp hành của ASGP. Theo đó, ông Philippe Schwab (Thụy Sĩ) đã trúng cử vào vị trí Phó Chủ tịch ASGP với số phiếu đạt trên 50%. Ông Jose Manuel Araujo (Bồ Đào Nha) và bà Claressa Surtees (Australia) đã được bầu vào Ban Chấp hành ASGP. Hội nghị cũng đã trao đổi về tham luận của Phó Tổng thư ký Quốc hội Bồ Đào Nha Jose Manuel Araujo về “Hợp nhất văn kiện lập pháp ở Bồ Đào Nha: tối ưu hóa quy định, gần với công dân hơn” và chủ đề “Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc Nghị viện hiệu quả”. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc lựa chọn các chủ đề thảo luận tại Hội nghị này xuất phát từ thực tiễn phát triển mạnh mẽ của nền dân chủ đại diện trên thế giới; nhu cầu thiết lập, vận hành và tăng cường hiệu quả của bộ máy giúp việc của nghị viện. Trong khuôn khổ của Hội nghị ASGP, các ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc tế là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện bộ máy giúp việc cho Quốc hội. |
P.Thảo