1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tuyên bố Hà Nội: Tầm nhìn mới của các nghị viện vì 6,5 tỷ người dân

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ông Ngô Đức Mạnh, cho rằng, Tuyên bố Hà Nội thể hiện tầm nhìn mới của các nghị viện: từ mục tiêu thiên niên kỷ đến mục tiêu phát triển bền vững, “biến lời nói thành hành động”. Đây là lần đầu tiên một tuyên bố về mục tiêu phát triển bền vững được Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) thông qua.

Sau khi Đại Hội đồng IPU-132 thông qua Tuyên bố Hà Nội, ông Ngô Đức Mạnh đã có cuộc trao đổi với báo chí về ý nghĩa của văn kiện hết sức quan trọng này.

Ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trong cuộc trao đổi với báo chí

Ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trong cuộc trao đổi với báo chí

Đại Hội đồng IPU-132 vừa thông qua Tuyên bố Hà Nội. Xin ông cho biết các quốc gia có thể kỳ vọng gì về văn kiện này?

Kết quả thành công nhất của Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam là thông qua Tuyên bố Hà Nội. Đây là một văn kiện hết sức quan trọng vì nó tổng kết những kết quả thảo luận của Đại hội đồng theo chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”.

Điều này thể hiện tầm nhìn của các nghị viện, các thành viên IPU, đại diện cho 6,5 tỷ người dân về một chương trình phát triển mới của nhân loại từ các mục tiêu thiên niên kỷ đến các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuyên bố Hà Nội vạch ra các phương hướng tiếp theo mà cộng đồng nghị viện, các nước thành viên IPU cũng như nghị viện mỗi quốc gia thành viên cần phải làm để chúng ta có thể đạt được những mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể Tuyên bố này nêu rất rõ phải phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như đề cao vai trò nghị viện của các nước trong xử lý các vấn đề toàn cầu.

Tuyên bố Hà Nội sẽ là văn kiện quan trọng để trình Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2015.

Ông có nhận xét gì về những đóng góp của phía Việt Nam tại Đại hội đồng lần này?

Việt Nam là nước đề xuất chủ đề của IPU 132 về các mục tiêu phát triển bền vững. Chủ đề này được các nước nhất trí, ngoài ra chúng ta cũng đề xuất chủ đề bảo vệ nguồn nước. Việt Nam cũng là nước tích cực thúc đẩy thông qua chủ đề an ninh mạng.

Trong khuôn khổ IPU-132 cũng diễn ra Hội nghị Hiệp hội tổng thư ký nghị viện các nước, tại đây, Việt Nam đưa ra đề xuất được quan tâm, đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thư ký các nghị viện.

Theo ông, điều gì làm nên sự khác biệt của IPU-132?

Điểm mới chính là chúng ta bàn thảo về chủ đề phát triển bền vững trong bối cảnh các nước thành viên IPU cũng như thành viên của Liên hợp quốc tổng kết 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và tìm kiếm các phương thức phát triển mới qua 17 nhóm mục tiêu rất thiết thực.

Đại hội đồng lần này ghi nhận đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong việc đưa ra chủ đề và cùng hợp tác với các nghị viện để biến chủ đề chung của Đại hội đồng thành Tuyên bố Hà Nội – một kết quả cụ thể, một tài liệu quan trọng của nghị viện các nước cũng như của Liên hợp quốc.

Tuyên bố này sẽ biến thành chương trình hành động của nghị viện các nước thành viên, đây cũng là một điểm mới của Đại hội đồng lần này.

Trước đây chỉ có Nghị quyết mà không có tuyên bố hoặc có tuyên bố về những vấn đề khác, chứ không phải là mục tiêu phát triển bền vững.

Các đại biểu đã thông qua nghị quyết về chủ quyền, tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào nội bộ và nhân quyền? Nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào trong giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ?

Rõ ràng vấn đề hòa bình an ninh hợp tác vẫn là vấn đề lớn với nhân loại vì không có hòa bình sẽ không có phát triển, đặc biệt chúng ta đang hội nhập lại càng cần hòa bình.

Trên thế giới đang có tranh chấp lãnh thổ tại nhiều nơi do tham vọng của một số nước đi ngược lại với nguyện vọng của nhân loại. Trong Tuyên bố Hà Nội, chúng ta cũng nhấn mạnh rằng tôn trọng pháp luật quốc tế, hiến chương LHQ, đây là những văn kiện pháp lý, cơ sở pháp lý cho giải quyết những những tranh chấp.

Quốc hội Việt Nam đã tăng cường hoạt động với các quốc hội khác tại IPU-132 như thế nào, thưa ông?

Tôi rất mừng tại kỳ Đại hội đồng lần này, có nhiều nghị viện của các nước thành viên từ nơi xa xôi như châu Phi, Nam Mỹ, khu vực Thái Bình Dương... lần đầu tiên đến Việt Nam. Họ tận mắt chứng kiến một đất nước Việt Nam năng động và phát triển, gặp gỡ người dân Việt Nam... Đây cũng là một kết quả đáng kể của IPU lần này.

Chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm và mô hình hoạt động hiệu quả của nghị viện các nước, ví dụ như nâng cao kỹ năng làm việc của cán bộ, tổ chức dịch vụ thông tin, tương tác giữa nghị viện với người dân.

Nghị viện, Quốc hội phải là nơi người dân đến giao lưu, gặp gỡ với nghị sĩ. Các đại biểu cần lắng nghe ý kiến của người dân và biến thành những đề xuất của nghị sĩ với quốc hội, từ đó hình thành những đạo luật được thực thi trên thực tế.

Nam Hằng (ghi)

Dòng sự kiện: IPU-132 tại Hà Nội