1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

IPU-132 thông qua Nghị quyết về chống khủng bố

(Dân trí) - Chiều 31/3, Đại hội đồng IPU-132 đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp với nội dung chống hành động khủng bố của các tổ chức như IS, Boko Haram tấn công dân thường vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Các đại biểu tham dự IPU-132 trong phiên thảo luận ngày 31/3.
Các đại biểu tham dự IPU-132 trong phiên thảo luận ngày 31/3.
 
Các đại biểu đã thể hiện sự thống nhất chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Chủ đề khẩn cấp được bàn trong IPU-132 được đề xuất bởi Australia và Bỉ ngày 29/3, đã đạt hơn 2/3 số phiếu ủng hộ và được chọn làm chủ đề khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng kỳ này.

Trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Irắc và vùng cận Đông đã chấp nhận liên kết với phiến quân Boko Haram ở Nigiêria, Nghị quyết bày tỏ quan ngại sâu sắc vì chủ nghĩa khủng bố tiếp tục đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Tư tưởng độc hại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang kích động các vụ tấn công khủng bố ở những khu vực khác trên toàn thế giới, ví dụ như ở Brussels (Bỉ), Paris (Pháp), Sydney, Australia và gần đây nhất ở thủ đô Tunis, Tuynidi.

Đại hội đồng IPU cho rằng đây là hành động tấn công vào những nền dân chủ trên thế giới và kêu gọi tất cả các nghị viện lên án các vụ tấn công khủng bố không chỉ của riêng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và Boko Haram.

Đại diện phái đoàn nghị sỹ Campuchia bày tỏ: “Những người trẻ chiếm hơn 50% dân số thế giới có thể là nguồn cơn của vấn đề này và cũng chính là giải pháp cho vấn đề này. Họ đang là đối tượng dễ bị các tổ chức khủng bố lôi kéo. Chính vì thế, tôi tin rằng trong tương lai chúng ta cần phải tăng cường tiếp cận người trẻ tuổi, cho họ cơ hội để chia sẻ cách suy nghĩ, tầm nhìn, để họ trở thành một phần của giải pháp thay vì là một phần của vấn đề”.

Nội dung của Nghị quyết thể hiện, Nghị viện các nước khẳng định cần phải chống khủng bố dưới mọi hình thức, hành động chống khủng bố phải phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; lên án mạnh mẽ các hoạt động tài trợ cho khủng bố; cần nhận thức rõ ràng rằng khủng bố không có bất cứ liên hệ nào với tôn giáo, dân tộc, văn minh hay bất cứ nhóm dân tộc nào.

Nghị quyết cũng đã kêu gọi các nước đưa ra chiến lược chung về quản lý công dân tham gia các tổ chức này và đề xuất những biện pháp trao đổi thông tin giữa các nước; yêu cầu các nước sử dụng các kênh lập pháp để đóng góp cho việc thực thi các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố.

Đại diện Ban dự thảo báo cáo cho biết, Ban dự thảo Nghị quyết đã nhất trí không nhất thiết chỉ tập trung vào hai nhóm khủng bố cụ thể mà cần phải được áp dụng đối với tất cả các nhóm khủng bố, tổ chức khủng bố; lưu ý rằng tất cả các chính phủ, nghị viện cần tiến hành đối thoại để có thể có những biện pháp hữu hiệu trong việc chống lại khủng bố.

Ban dự thảo cũng đã xây dựng dự thảo phản ánh ý chí của tất cả các nghị viện thành viên của IPU trước mối đe dọa khủng bố, bởi vì khủng bố có thể ảnh hưởng tới bất cứ cá nhân nào trong số chúng ta. Chính vì vậy, cần xây dựng những biện pháp hữu hiệu và xây dựng dự thảo phải chi tiết, rõ ràng.

P.Thảo

Dòng sự kiện: IPU-132 tại Hà Nội