1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hồng Kông xác nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên

(Dân trí) - Ngày 1/5, lãnh đạo Hồng Kông (Trung Quốc) chính thức xác nhận một ca nhiễm cúm A/H1N1. Đó là một du khách quá cảnh ở Mexico trên đường bay đến Thượng Hải. Cùng lúc này, lo ngại tăng lên khi một ca nhiễm cúm A/H1N1 tại Đức lại chưa từng đặt chân đến Mexico..

Trong báo cáo khẩn cấp gần đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Mexico khẳng định người Việt Nam đang sống và làm việc ở Mexico vẫn an toàn.

Châu Á có ca nhiễm H1N1 đầu tiên

Về bệnh nhân tại Hồng Kông, Các kết quả xét nhiệm của cả Cơ quan Y tế Hồng Kông và Đại học Hồng Kông đều cho thấy du khách quá cảnh ở Mexico nhiễm cúm tuýp A/H1N1.

 

Bệnh nhân đã được cách ly trong bệnh viện và hiện sức khoẻ vẫn ổn định. Cơ quan chức năng đã ra lệnh cách ly cả khách sạn ở Hồng Kông, nơi vị khách này đã ở, và lập tức nâng mức báo động lên khẩn cấp.

 

Trong khi Hàn Quốc đưa tin 3 ca có khả năng đã nhiễm cúm A/H1N1, trường hợp ở Hồng Kông là ca đầu tiên được khẳng định đã nhiễm bệnh ở châu Á, nơi chính phủ các nước đã tăng cường cảnh giác để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
 
Hồng Kông xác nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên - 1

Các nhân viên y tế Hồng Kông vệ sinh khách sạn Metropark, nơi bệnh nhân nhiễm cúm từng ở (Ảnh: AFP)
 

 

Ở Thái Bình Dương, New Zealand đã thông báo 4 trường hợp chắc chắn đã nhiễm cúm và 12 trường hợp khác nghi nhiễm.

 

Thái Lan ngày 1/5 thông báo, Bộ trưởng Y tế các nước sẽ nhóm họp tại Bangkok vào ngày 8/5 để thống nhất các biện pháp đối phó với bệnh dịch. Theo thông báo của bộ Y tế Thái Lan, tại cuộc họp này, chính quyền Bangkok sẽ đề xuất việc theo dõi giao lưu trong khu vực các đường biên giới, trao đổi thông tin, lập các quỹ dự trữ thuốc và sản xuất vacxin.

 

Theo nguồn tin khác, mới đây, các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Singapore đã lần lượt cho ra mắt thiết bị mới xét nghiệm nhanh cúm A/H1N1.

 

Còn tại Đan Mạch, chính quyền nước này cũng đã xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Như vậy, tổng cộng có 14 quốc gia mà dịch cúm A/H1N1 đã có mặt và tổng số người nhiễm bệnh mà Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận cho đến hôm qua là 331.
 
Hồng Kông xác nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên - 2

Cảnh sát bên ngoài khách sạn Metropak Hồng Kông (Ảnh: AFP)

 

Ca nhiễm bệnh tại Đức chưa hề đến Mexico

 

Mối lo ngại dịch cúm lan ra toàn cầu ngày càng tăng khi nhà chức trách Đức hôm qua loan báo trường hợp đầu tiên nhiễm cúm A/H1N1 chưa hề đặt chân đến Mexico.

 

Bệnh nhân là một nữ y tá, nhưng nay đã khỏi bệnh. Cho tới nay, đã có ba trường hợp được xác nhận nhưng đó là ba người đã đến Mexico gần đây. Tuy nhiên, cô y tá nói trên đã có tiếp xúc với một trong ba bệnh nhân này.

 

Tại Ba Lan, một bé gái 8 tuổi, từ Mexico về cách đây 10 ngày đã nhập viện do có những triệu chứng giống như cúm.

 

Để đối phó với bệnh dịch, chính phủ Mỹ vừa quyết định mua thêm 13 triệu liều vacxin để bổ sung quỹ dự trữ chiến lược, bao gồm 80% là thuốc Tamiflu và 20% là Relenza. Theo bộ trưởng Y tế Mỹ, quỹ dự trữ chiến lược liên bang đã có 50 triệu liều thuốc kháng virut, trong khi các quỹ của tiểu bang có khoảng 23 triệu liều thuốc. Bên cạnh đó, Mỹ cũng quyết định sẽ phân phát 400 ngàn liều thuốc kháng virut tại Mexico để giúp nước này ngăn chặn bệnh dịch lây lan.

 

Hồng Kông, Philippines và Australia đã khởi động các đường dây nóng về cúm. Giới chức y tế của Philippines đã ra lệnh cho bộ Y tế mua thêm vacxin để bổ sung vào lượng dự trữ 600.000 liều thuốc Tamiflu.

 

Tại Australia, Thủ tướng Kevin Rudd cho biết, chính phủ đã tăng cường kiểm tra tại biên giới.

 

Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường việc kiểm tra cách ly.

 

Mexico: Số người nhiễm bệnh giảm

 

Mexico đã bắt đầu 5 ngày ngừng các hoạt động kinh tế và thương mại trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và các quan chức nước này khẳng định bước đầu có kết quả, khi số ca nhiễm bệnh có dấu hiệu giảm.

 

Theo Bộ trưởng Y tế Jose Angel Cordova, số liệu từ các bệnh viện cho thấy chỉ có 46 bệnh nhân phải nhập viện vì các triệu chứng cúm trong ngày 30/4, giảm so với 212 bệnh nhân hôm 20/4, và điều này “rất đáng khích lệ”.

 

Mexico là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 176 trường hợp tử vong liên quan đến cúm A/H1N1 và hơn 300 trường hợp lây nhiễm được thống kê. Tình trạng sức khoẻ của toàn bộ các bệnh nhân còn sống nay rất tốt. Ông Cordova cho rằng đây là kết quả đáng mừng, nhưng không tỏ ra lạc quan quá mức.

 

Trước đó, nhà nghiên cứu bệnh dịch hàng đầu của Mexico Miguel Angel Lezana đã cáo buộc WHO chậm phản ứng với cảnh báo của Mexico về chủng cúm lạ này, dù đã được thông báo từ hôm 16/4.

 

Nước bị ảnh hưởng nặng thứ hai là Mỹ, nơi đã có một trường hợp tử vong và số người bị nhiễm cúm cũng đã tăng lên thành 141 ở tổng cộng 19 tiểu bang. Quốc gia bị lây nhiễm đứng hàng thứ ba là Canada, số bệnh nhân cũng đã tăng từ 19 lên 34 người.

 

Nguyễn Viết (Tổng hợp)