1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

WHO tuyên bố cúm A/H1N1 là đại dịch trên toàn cầu

(Dân trí) - Chiều tối nay, 11/6 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch cúm A/H1N1 là đại dịch trên toàn cầu, nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên mức 6 - cấp cao nhất trong thang cảnh báo về sức khỏe cộng đồng của tổ chức này.

Tuyên bố trên được WHO đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của WHO về cúm A/H1N1 kết thúc tại Geneva (Thụy Sĩ). Đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm qua WHO tuyên bố một dịch cúm thành đại dịch trên quy mô toàn cầu.
 
WHO tuyên bố cúm A/H1N1 là đại dịch trên toàn cầu - 1

Đây là đại dịch đầu tiên của toàn thế giới trong vòng 41 năm qua
 

Dù thành đại dịch, song các chuyên gia y tế dự đoán số người thiệt mạng vì cúm A/H1N1 sẽ thấp hơn nhiều so với đại dịch cúm tương tự năm 1968, khi đó chủng virus H3N2 đã cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người. Trong khi đó, dịch cúm theo mùa thông thường cũng làm chết từ 250.000 đến 500.000 người mỗi năm.

 

Vấn đề các chuyên gia lo ngại nhất là ảnh hưởng về kinh tế khi cùng lúc có thể có rất nhiều người phải nghỉ việc tới hàng tuần chỉ với những triệu chứng cảm lạnh thông thường. Viễn cảnh xấu nhất là virus A/H1N1 bị biến thể vào mùa Đông ở Bắc bán cầu, gây hiện tượng người ốm và chết trên diện rộng, công nhân nghỉ việc hàng loạt, các hoạt động du lịch và buôn bán bị gián đoạn...

 

Theo số liệu mới nhất của tổ chức này, tính đến nay trên toàn thế giới đã phát hiện được 27.737 trường hợp nhiễm virus cúm A/H1N1 ở 74 nước, trong đó 141 người đã tử vong. Các nước và khu vực vẫn liên tiếp thông báo phát hiện các trường hợp mới nhiễm virus cúm chết người này.

 

Với tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1, WHO đã ra hướng dẫn hành động, khuyên các nước áp dụng các biện pháp phòng chống khác nhau tùy theo tình trạng lây lan dịch bệnh tại mỗi nước.

 

Theo đó, những nước như Mỹ, nơi virus cúm A/H1N1 đã lây nhiễm trên diện rộng, sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp hiện tại. Trong khi các nước “quá độ” như Australia, Anh hoặc Chi-lê, những nơi đã xuất hiện dấu hiệu đầu tiên cho thấy có sự lây lan nội địa, nên “chuyển trọng tâm từ việc phát hiện và ngăn ngừa” sang điều trị cho bệnh nhân.

 

Đối với những nước chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus cúm A/H1N1, nhà chức trách có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa ban đầu, ví dụ như bằng hình thức cách ly đối tượng nghi nhiễm.
 
Mức độ dịch tại Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát
 
Tin từ Bộ Y tế cho hay, riêng ngày 11/6, Việt Nam đã có thêm 7 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 trong đó có 1 trường hợp ở Hà Nội và 6 trường hợp ở TPHCM, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm cúm này lên 25 người.
 
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam cho biết: Đến thời điểm hiện nay, mức độ dịch tại Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát nhưng thời gian tới việc cúm A/H1N1 lây lan rộng trong cộng đồng là khó tránh khỏi.
 

Theo ông Nga, Việt Nam cần chuyển từ tập trung giám sát, cách ly sang tập trung điều trị chăm sóc, nâng cao chất lượng điều trị. Đặc biệt quan tâm tới đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em, phụ nữ, người già cũng như tránh gây rối loạn xã hội, hoang mang, xáo trộn cộng đồng.

 

P.V