1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

WHO: Hơn 700 người chết vì cúm A/H1N1, đóng cửa trường học là giải pháp

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới thông báo virút cúm A/H1N1 đã khiến 700 người trên toàn thế giới tử vong kể từ lúc bắt đầu xuất hiện hồi tháng 4 vừa rồi và các nước có thể cân nhắc đóng cửa trường học để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh này.

 
WHO: Hơn 700 người chết vì cúm A/H1N1, đóng cửa trường học là giải pháp  - 1


Con số được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo hôm qua đã tăng hơn 270 người so với cách đây 2 tuần. WHO cho biết họ đang xét những biện pháp chính phủ các nước cần thực hiện để giới hạn mức lây nhiễm tăng cao khi mùa thu tại Bắc bán cầu bắt đầu. Người phát ngôn tổ chức này, bà Aphaluck Bhatiasevi, tuyên bố việc đóng cửa các trường học là một trong những biện pháp mà các nước cần xem xét.

Trước đó, hôm 20/7, các chuyên gia Anh cũng cho rằng các chính phủ nên bắt đầu lập kế hoạch đóng cửa các trường học vì như vậy có thể giảm thiểu sự lây lan của cúm A/H1N1. Tuy nhiên, viên chức đứng đầu ngành y tế tại Anh và xứ Wales, ông Liam Donaldson lại cảnh báo đóng cửa các trường học sẽ làm rối loạn xã hội và ông đặt câu hỏi là khi nào mở lại trường học nếu virut cúm này vẫn còn tồn tại trong vòng vài tháng.
 
Trong tuần qua, WHO không còn yêu cầu các quốc gia báo cáo về sự lây nhiễm của cúm A/H1N1 với lý do là hầu như những quốc gia có dịch cúm bùng phát cao không thể theo dõi được tất cả mọi trường hợp. Theo người phát ngôn WHO, tính đến ngày 21/7, những xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác nhận là có ít nhất 125.000 trường hợp lây nhiễm dịch cúm này trên toàn thế giới.

Tuần trước, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan cảnh báo cúm A/H1N1 có thể trở thành dịch cúm lớn chưa từng có. Nhưng trong đa số các trường hợp, triệu chứng cúm lại không nghiêm trọng. Đa số các bệnh nhân đều phục hồi kể cả khi không cần điều trị y tế và thường chỉ bị ốm một tuần.

Trong khi đó, các chuyên viên của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây ước lượng là gánh nặng kinh tế do cúm A/H1N1 gây ra đối với tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới có thể thay đổi từ 0,7% đến 4,8% . Ở mức cao nhất, 4,8% thì đó là thiệt hại do đại họa gây nên theo kiểu dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 làm cho từ 50 đến 100 triệu người chết. Văn phòng nghiên cứu của Đại học Oxford Economic cũng đã tính toán là dịch cúm A có thể khiến tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới chậm thêm 2 năm.

Nhật Mai
Theo AP, AFP