1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thu cước phí xếp dỡ container:

Hơn 200 triệu USD vào “túi” hãng tàu nước ngoài?

Các hãng vận chuyển container nước ngoài vừa thông báo sẽ tiến hành thu cước phí xếp dỡ container (THC) đối với các loại hàng hóa xuất và nhập khẩu của Việt Nam kể từ ngày 1/5. Nếu THC được áp dụng, các doanh nghiệp sẽ phải trả thêm cho các hãng tàu hơn 200 triệu USD mỗi năm. Vì sao?

Quyết định đơn phương

 

Hiệp hội các hãng tàu Viễn Đông (FEFC), với thành viên là các nhà vận chuyển container lớn nhất thế giới như Maersk Line, MSC, CMA/CGM… thông báo sẽ thu THC với số tiền 65 USD/container 20 feet (TEU) và 98 USD/container 40 feet (FEU).

 

Theo FEFC, THC là chi phí xếp dỡ container tại cảng Việt Nam từ bãi container đến tàu (hàng xuất) và ngược lại (hàng nhập), sẽ được thể hiện như một loại phí riêng biệt trên chứng từ của hãng tàu sau này (tách khỏi cước vận tải). Trong thông báo của mình, FEFC cũng nhấn mạnh việc thanh toán khoản phí này sẽ dựa trên sự thỏa thuận cho những lô hàng chuyên chở giữa người mua và người bán.

  

“Việc áp dụng thu cước phí xếp dỡ là một vấn đề thương mại nhằm làm thị trường vận tải Việt Nam hòa nhập với thông lệ vận tải đang áp dụng tại các nước châu Á. Chắc chắn việc áp dụng THC sẽ đem lại lợi ích cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, vì nó làm cước phí vận chuyển được áp giá dựa trên chất lượng dịch vụ, điều kiện cung ứng của thị trường”- FEFC tuyên bố.

 

Sau khi nhận được thông báo của FEFC, VCCI đã tổ chức cuộc họp giữa Hội đồng đàm phán THC, đại diện của bảy hiệp hội và đại diện của một số cơ quan Chính phủ.

 

Tại cuộc họp, phần lớn đại diện của các hiệp hội đều mong muốn Hội đồng đàm phán THC tiếp tục đàm phán để trì hoãn việc áp dụng phí THC tới năm 2008, do muốn tham khảo thêm ý kiến của các DN và do phải hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu kỳ hạn một năm và theo mùa vụ của những ngành hàng này.

 

Ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế của VCCI - thành viên của Hội đồng đàm phán THC - tuyên bố sẽ nỗ lực đàm phán để có thể trì hoãn muộn nhất là tới ngày 1/1/2008, sau đó sẽ phải chấp nhận tách THC ra khỏi cước vận tải.

 

Hội đồng sẽ đàm phán với IADA về vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm thanh toán THC và về mức THC hợp lý nhất. Mức THC khởi điểm sẽ được Hội đồng đàm phán thông báo cho các hiệp hội trước khi áp dụng.

Vì sao FEFC muốn áp dụng THC vào thời điểm này, trong khi việc đàm phán thu phí THC giữa Việt Nam (mà Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI được giao làm đầu mối) với Hiệp hội Hiệp thương chủ tàu châu Á (IADA) nhiều năm qua vẫn chưa ngã ngũ? Đại diện một hãng tàu giải thích: “Có lẽ FEFC thấy Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới nên hi vọng Chính phủ sẽ không can thiệp vào các thỏa thuận thương mại giữa nhà vận chuyển và nhà xuất nhập khẩu. Vả lại gần đây Chính phủ cũng đã giao cho doanh nghiệp quản lý cảng biển tự quyết định giá cước nên họ cũng muốn được đẩy nhanh lộ trình áp dụng THC tại Việt Nam”.

 

Ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế VCCI, cho biết VCCI, Bộ Tài chính và Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) đã nhận được thông báo của FEFC. Hiện nay, vấn đề này cũng đã được trình lên Chính phủ. “Việc thu THC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ Việt Nam và tác động đến giá cả hàng nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo thông lệ, nếu muốn thu phí THC thì phía FEFC phải gặp gỡ đàm phán với đại diện của Việt Nam, đằng này họ đơn phương áp dụng chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của các doanh nghiệp” - ông Huỳnh nói.

 

Từ khoảng năm 2000, IADA đã đặt vấn đề thu THC tại Việt nam nhưng không đi đến kết quả, vì Cục Hàng hải cho rằng việc thu bất cứ loại phí nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ các qui định của Bộ Tài chính.

 

Không nộp, hàng có “đi” được?

 

Theo các công ty giao nhận, nếu được áp dụng THC thì các hãng vận tải sẽ có một nguồn thu khá lớn và ổn định nên họ sẽ kiên trì đeo đuổi chính sách này. Đại diện một hãng tàu Thụy Sĩ cho biết hãng này đang chuẩn bị gửi mail và fax thông báo về THC đối với các công ty giao nhận và khách hàng doanh nghiệp. Được hỏi nếu các doanh nghiệp không chịu đóng THC thì chuyện gì sẽ xảy ra, ông khẳng định: “Nếu nhà xuất khẩu không đóng THC, chúng tôi sẽ không cấp vận đơn, còn với hàng nhập thì chúng tôi sẽ không giao hàng”.

 

Tuy nhiên, đại diện một hãng tàu của Hàn Quốc lại tỏ ra phân vân. Ông nói: “Mặc dù đã nhận được chỉ đạo từ trụ sở nhưng chúng tôi chưa có kế hoạch triển khai. Chúng tôi đợi công văn cho phép chính thức từ Chính phủ, vì đây là một loại phí khá lớn, cần có sự đồng thuận từ nước sở tại”. Một số hãng tàu khác cho biết họ vẫn chưa thông báo chính thức cho khách hàng mà chờ nghe ngóng động thái từ Chính phủ.

 

Trưởng phòng kinh doanh một công ty giao nhận cho rằng sẽ khó thu được THC từ tháng năm như dự kiến vì các doanh nghiệp thường ký hợp đồng cả năm, không thể tùy tiện cộng thêm THC vào giá xuất khẩu. Ngoài ra, việc áp dụng THC sẽ không đồng bộ cho toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu, vì FEFC chỉ tiến hành thu THC cho các lô hàng vận chuyển từ Việt Nam đến các nước châu Âu, trong khi các hãng tàu chạy tuyến châu Á và châu Mỹ vẫn chưa lên tiếng.

 

Theo Bộ Tài chính, với hơn 3 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng Việt Nam mỗi năm, nếu tính các doanh nghiệp phải nộp 65 USD/TEU cho các hãng tàu thì số tiền này sẽ lên khoảng 200 triệu USD. Trong đó, các ngành sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nông sản, may mặc, đồ gỗ, gốm sứ, nhựa...

 

Theo một công ty chuyên về may mặc, hiện mỗi tháng công ty của ông xuất khoảng 40 container thì sẽ phải trả thêm 2.600 USD, chưa kể số tiền THC cho hàng nguyên phụ liệu nhập về. Như vậy, nếu nhà nhập khẩu không chịu hợp tác thì phí THC sẽ ăn vào khoản tiền gia công nhỏ nhoi của công ty.

 

“Chúng tôi biết đóng THC đã trở thành một tập quán thương mại quốc tế, nhưng tại Việt Nam cần phải có lộ trình áp dụng cụ thể theo hướng tăng dần. Còn hiện nay, so với mức cước xếp dỡ đang áp dụng ở các cảng biển thì mức thu do FEFC đề nghị quá cao. Do đó chắc chắn sẽ khó tìm sự đồng thuận” - một cán bộ ở Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định.

 

Theo Như Hằng

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Cảng nước sâu