1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hình ảnh thiên tai, nghèo đói có hại cho miền Trung

“Khi các phương tiện thông tin đại chúng nói quá nhiều về một miền Trung bão lũ, đói nghèo, vô tình đã quảng bá về miền Trung như một địa chỉ từ thiện, và như thế không thể là vùng đất để làm ăn” - Tiến sĩ Trương Đình Hiển đã có những ý kiến đáng chú ý về tiềm năng và hình ảnh của vùng đất này.

Là một chuyên gia về vật lý hải dương và công trình biển, TS Trương Đình Hiển chính là người đã tìm ra các cảng biển lớn ở miền Trung, gắn liền với những khu kinh tế quan trọng như Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây...

 

Ông là người có nhiều đóng góp cho kinh tế miền Trung. Ông có suy nghĩ như thế nào về vùng đất này?

 

Muốn biết miền Trung, cần phải nhìn lại nó trong suốt cả quá trình lịch sử của đất nước. Miền Trung luôn là vùng đất sản sinh những anh hùng hào kiệt, kinh bang tế thế: Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... Hầu hết các di sản văn hóa nhân loại ở Việt Nam đều nằm ở vùng đất này.

 

Khi các phương tiện thông tin đại chúng nói quá nhiều về một miền Trung bão lũ, đói nghèo, vô tình đã quảng bá về miền Trung như một địa chỉ từ thiện, và như thế không thể là vùng đất để làm ăn. 

 

Hình ảnh thiên tai, nghèo đói có hại cho miền Trung - 1
 

Tiến sĩ Trương Đình Hiển.

 

Về địa lý, miền Trung là “mặt tiền” của VN, của Đông Nam Á và cả châu Á - Thái Bình Dương. Ngày nay, vị trí địa lý quan trọng hơn cả tài nguyên. Chẳng hạn Singapore, họ không có tài nguyên nhưng nhờ vị trí địa lý, họ trở nên giàu có. Lâu nay ta cứ ca cẩm thời tiết miền Trung khắc nghiệt. Cứ thử so sánh thời tiết các nước quanh ta sẽ thấy bất lợi về thời tiết của miền Trung chưa có gì là lớn. Nhật Bản, Indonesia thì động đất liên miên; Philippines quanh năm bão tố; lũ lụt thì Trung Quốc còn ghê gớm hơn... Nhưng họ vẫn cứ phát triển.

 

Vậy tại sao miền Trung vẫn đói nghèo triền miên? Đấy là kết quả của đường lối bế quan tỏa cảng, tự cung tự cấp, tự cấm vận chính mình qua nhiều thế kỷ. Giống như nhà mặt tiền đường Nguyễn Huệ (TPHCM) đáng giá ngàn vàng nhưng lại đóng cửa nuôi heo thay vì bung ra buôn bán, kinh doanh, làm sao mà giàu được? Nền kinh tế lạc hậu gắn liền với kinh tế nông nghiệp, mà nông nghiệp ở miền Trung không phát triển được như Bắc bộ, Nam bộ nên vị trí của nó trở nên thứ yếu.

 

Nếu đặt đúng vị trí của miền Trung thì phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển thương mại và du lịch dịch vụ. Đường lối này đang là vận hội của miền Trung, mở ra một bước ngoặt lịch sử để miền Trung phát triển và tiến kịp hai đầu đất nước.

 

Ông là người tìm ra các cảng Chân Mây, Dung Quất, Nhơn Hội. Ông có ý kiến thế nào về nhận xét: miền Trung tỉnh nào cũng xây dựng cảng nên không có cảng lớn?

 

Câu hỏi tại sao miền Trung xây dựng nhiều cảng biển mà không tận dụng hết, tức là lâm vào sự hoài nghi “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Muốn mời gọi đầu tư mà không có hạ tầng thì ai vào đầu tư? Cứ nghĩ miền Trung có nhiều cảng, thiếu hàng hóa, không hiệu quả là không nhìn thấy toàn cục. Bởi cảng miền Trung không phải chỉ xuất nhập hàng cho riêng vùng này, mà phải tính đến cả tiểu vùng sông Mekong thông qua hành lang kinh tế đông - tây nối với châu Á - Thái Bình Dương và thế giới bên ngoài. Cả miền Trung có bốn cảng có giá trị, sau này kết nối với tiểu vùng sông Mekong sẽ còn phải mở thêm nữa.

 

Tôi nghĩ điều cần phải làm ngay là chỗ nào nuôi được gà thì nuôi gà, chỗ nào ấp được trứng thì ấp trứng; chỗ nào làm được cảng thì xây cảng; chỗ nào phát triển công nghiệp thì làm nhà máy; địa phương nào đầu tư du lịch thì đầu tư... Từ đó hợp lực lại để có sự phát triển đúng hướng.

 

Ông vừa nói rằng miền Trung có vị trí lịch sử, địa lý rất thuận lợi, nhưng sao các nhà đầu tư nước ngoài vẫn e ngại đến miền Trung?

 

yCó một định kiến từ trong quá khứ kéo dài đến bây giờ, đó là hình ảnh: miền Trung đói nghèo và thiên tai hoành hành. Điều đó đồng nghĩa: làm ăn ở miền Trung ít lợi, lắm rủi ro. Mà nhà đầu tư thì rõ ràng là muốn vào chỗ nào thu được lợi nhuận và ít rủi ro. Bởi vậy người ta nhắm vào khu vực Hà Nội và TPHCM. Vấn đề quan trọng nữa là tính liên kết giữa các địa phương miền Trung còn rất yếu, điều này chẳng khác nào chúng ta tự cấm vận mình.

 

Thưa ông, trong sự nghèo khó của miền Trung có nguyên nhân từ con người?

 

Xã hội muốn phát triển luôn cần những con người thế này: trước nhất là người biết dùng người, biết tập hợp con người, đó là người lãnh đạo giỏi, có tâm và có tầm. Thứ hai, là các nhà khoa học, nhà kỹ thuật, nhà trí thức. Ba là những người thợ lành nghề.

 

Tại sao tiềm lực còn ngủ yên?
 

Nguyên nhân đầu tiên là giáo dục và dạy nghề, cụ thể là học vấn và trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động. Tỉ lệ lao động của Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) miền Trung có mức học vấn thấp hơn mức trung bình của cả nước và thấp hơn nhiều so với hai VKTTĐ phía Bắc, phía Nam. Trình độ kỹ năng của lao động cũng vậy.

 

Nguyên nhân thứ hai là sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường sá, viễn thông, Internet...


Theo TS Vũ Thành Tự Anh
Tuổi trẻ

Nhưng ở miền Trung, loại người thứ nhất, ai có thể trả lời là có và có đủ. Không có những con người biết tập hợp thì sẽ không thu hút được đội ngũ thứ hai. Vì thế người tài của miền Trung cứ chạy về hai đầu đất nước. Nếu miền Trung tập hợp được nhân tài, cùng với các chính sách khuyến khích thì không khó để phát triển.

 

Phân tích tình hình cụ thể của miền Trung thì vùng đất này đang bùng nổ về kinh tế. Cách đây mười năm, đầu tư vào miền Trung chỉ khoảng vài chục triệu USD, nay chỉ riêng Dung Quất đã thu hút 4-5 tỉ USD. Như vậy, nguồn vốn đầu tư không phải là khó khăn, mà đòi hỏi của miền Trung chính là nguồn nhân lực, nhân tài. Nghiệp lớn mà không có đủ con người thì làm sao?

 

Theo Minh Tự - Việt Hùng - Kim Em
Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Cảng nước sâu