Logistics - nguồn lợi hàng tỉ USD đang bị bỏ rơi
Logistics (hậu cần) là dịch vụ có cái tên rất mới mẻ nhưng có một vai trò rất quan trọng đối với quá trình sản xuất - kinh doanh của một ngành và cả nền kinh tế. Với doanh số hàng tỉ USD, dịch vụ này đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và thực tế họ đang kinh doanh rất sôi động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng nói là các DN trong nước hiện đang thua hoàn toàn trên thị trường này, nguồn lợi lớn từ dịch vụ logistics đang chảy vào túi các đại gia nước ngoài, trong khi DN Việt Nam đang làm thuê trên sân nhà.
Dịch vụ quan trọng, thị trường lớn
Theo ông Bùi Văn Trung - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nói một cách đơn giản, dịch vụ logistics là việc thực hiện và kiểm soát toàn bộ hàng hóa cùng những thông tin có liên quan từ nơi hình thành nên hàng hóa cho đến điểm tiêu thụ cuối cùng.
Theo Luật Thương mại Việt Nam, logistics là một hoạt động thương mại do các thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan và các loại giấy tờ, tư vấn khách hàng, đóng gói, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa để hưởng phí thù lao. |
Nếu như ở Việt Nam, logistics còn là một ngành mới mẻ thì trên thế giới đã là một dịch vụ hoạt động lâu năm với nhiều tập đoàn hoạt động với quy mô toàn cầu như: Maersk Logistics, Mitsui OSK, APL...
Sự phát triển dịch vụ logistics có ý nghĩa đảm bảo cho việc vận hành sản xuất, kinh doanh các dịch vụ khác được đảm bảo về thời gian và chất lượng. Logistics phát triển tốt sẽ mang lại khả năng tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, ông Lân nhấn mạnh.
Với một nền sản xuất phát triển mạnh mẽ, nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao. Nếu chỉ tính theo tỷ lệ trên đây thì phí dịch vụ logistics trên thị trường Việt Nam có một doanh số khổng lồ và hứa hẹn tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ.
DN trong nước làm thuê trên sân nhà
Tầm quan trọng và cơ hội phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam đã được khẳng định. Tuy nhiên, điều đáng nói là nguồn lợi lớn từ dịch vụ này hiện không nằm trong tay các DN Việt Nam mà đang chảy về túi các đại gia nước ngoài.
Một nguồn lợi lớn trên sân nhà chưa được các DN Việt Nam tận dụng mà họ đang là những người làm thuê cho các tập đoàn nước ngoài.
Các DN Việt Nam mới chỉ có một phần rất nhỏ trong miếng bánh khổng lồ và đang ngày càng phình to của thị trường dịch vụ logistics. Theo tính toán mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics là vận tải biển thì DN trong nước mới chỉ đáp ứng chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại đang bị chi phối bởi các DN nước ngoài.
Điều này thực sự là một thua thiệt lớn cho DN Việt Nam khi có đến 90% hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển. Năm 2006 lượng hàng qua các cảng biển Việt Nam là 153 triệu tấn và tốc độ tăng trưởng lên đến 19,4%. Đây thực sự một thị trường mơ ước mà các tập đoàn nước ngoài đang thèm muốn và tập trung khai phá.
Ông Nguyễn Tương - chuyên viên cao cấp UN ESCAP cho biết, dịch vụ logistics ở Việt Nam chiếm khoảng từ 15-20% GDP. Ước tính GDP nước ta năm 2006 khoảng 57,5 tỉ USD. Như vậy, chi phí logistics chiếm khoảng 8,6-11,1 tỉ USD. Đây là một khoản tiền rất lớn. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ. |
Thị trường dịch vụ logistics Việt Nam có 800 DN nhưng đa phần đều nhỏ bé, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến cơ sở hạ tầng về vận tải, kho hàng còn yếu kém, hành lang pháp lý không rõ ràng đã cản trở sự phát triển logistics ở Việt Nam.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Trung cho biết, hầu hết các DN cung cấp dịch vụ logistics trong vận tải biển ở Việt Nam mới chỉ đóng vai trò là một nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các đối tác nước ngoài. Chưa có một DN nào của Việt Nam đủ sức để tổ chức và điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics.
Hiện nay, các DN Việt Nam có một điểm yếu là không kết nối được với mạng lưới toàn cầu và DN chúng ta chỉ hoạt động như những nhà cung cấp dịch vụ cấp 2; thậm chí là cấp 3, cấp 4 cho các đối tác nước ngoài có mạng điều hành dịch vụ toàn cầu.
Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam nói, chúng ta mới chỉ làm thuê một vài công đoạn trong cả chuỗi dịch vụ mà các DN nước ngoài giành được ngay trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng nói, trong khi DN trong nước còn non yếu, chưa có sự liên minh, liên kết thì lại xuất hiện kiểu kinh doanh chụp giựt, manh mún, cạnh tranh theo kiểu hạ giá thành để làm đại lý cho nước ngoài một cách không lành mạnh.
Trong khi đó, các hãng cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài đã đổ xô vào thị trường chúng ta, hầu hết các tên tuổi lớn đã có mặt và ăn nên làm ra rên thị trường Việt Nam, gây sức ép lớn cho chính các DN trong nước.
Theo Phước Hà
VietNamnet