1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai

Phùng Minh

(Dân trí) - "Đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trải đều trên nhiều nội dung, lĩnh vực quản lý đất đai cũng như cấu trúc và kỹ thuật soạn thảo".

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vừa cho biết, việc triển khai các hoạt động truyền thông chính sách liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị và báo chí phối hợp triển khai tích cực, hiệu quả.

Trên 20.500 tin, bài liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông.

Từ thời điểm dự án xây dựng Luật Đất đai sửa đổi được triển khai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành song song các hoạt động truyền thông, phổ biến, giới thiệu những nội dung trọng tâm, trọng điểm của luật tới cộng đồng, xã hội và nhân dân trên cả nước.

Hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai - 1

Một hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ở tỉnh Gia Lai (Ảnh: Thanh Bình).

Các hoạt động truyền thông được triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức, phương thức, trong đó tập trung vào cung cấp thông tin cho báo chí; tổ chức các diễn đàn cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng và đăng tải các tin, bài, ảnh, tin thời sự, phóng sự ngắn tuyên truyền, phổ biến các nội dung trọng tâm, trọng điểm của luật trên truyền thông đại chúng…

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cũng phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức một số hội thảo, hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến phổ biến chính sách pháp luật về đất đai.

Đồng thời tổ chức các tọa đàm trao đổi, thảo luận để lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện cơ quan soạn thảo, chuyên gia, nhà khoa học trả lời trực tiếp ý kiến của nhân dân.

"Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên và môi trường có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tài nguyên và môi trường của nhân dân, đưa chính sách thực sự đi vào đời sống kinh tế, xã hội", ông Dũng cho hay.

Ngoài ra, với các chính sách, pháp luật đang triển khai xây dựng như Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất - Khoáng sản… Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, tích cực lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp. Đặc biệt, cơ quan này đã áp dụng công nghệ thông tin, truyền thông số vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để thu nhiều kết quả cao.

Dù vậy, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho rằng việc thực hiện truyền thông chuyên đề về chính sách, pháp luật các lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn rất ít, chưa bám sát với tiến độ ban hành văn bản pháp luật.

Điều đó đã không tạo được sức nặng, sức hút và tầm ảnh hưởng cũng như hiệu quả của công tác truyền thông về môi trường đất đai tới đông đảo nhân dân.

"Nhiều nội dung chính sách, khái niệm trong các văn bản pháp luật có liên quan đến đất đai, môi trường chưa bám sát thực tiễn, vẫn còn hiện trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các chính sách, văn bản pháp luật. Năng lực cán bộ, nguồn lực, kinh phí triển khai tổ chức các hoạt động truyền thông về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế", ông Dũng nhìn nhận.

Sắp tới, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường sẽ đẩy mạnh trao đổi, tham vấn và cung cấp các định hướng, tư liệu các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc đó nhằm kịp thời cung cấp đúng, đủ, chính xác để tạo sự đồng thuận của các tổ chức chính trị - xã hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, các doanh nghiệp, người nổi tiếng và cộng đồng dân cư.

Xây dựng sản phẩm, ấn phẩm truyền thông chính sách, tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông để cung cấp cho các tuyên truyền viên các cấp, cơ quan, đơn vị ở địa phương triển khai thực hiện bảo đảm thực hiện thống nhất, khả thi.

"Chúng tôi cũng sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp… tham gia thực hiện truyền thông về các chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông quy định của pháp luật", ông Dũng nói về định hướng sắp tới.

TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đánh giá việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, minh bạch và chuyên sâu, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

"Sự kiện đã thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng", ông Quốc nói.

Từ sự kiện này, theo ông Quốc, để truyền thông hiệu quả một dự thảo chính sách, dự thảo văn bản như mong muốn của các cơ quan soạn thảo, cần có nhận thức, sự quyết tâm, quan tâm chỉ đạo của người đứng đầu; chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách của chính cơ quan chủ trì soạn thảo.

"Các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần tích cực trong việc truyền thông, phổ biến, lấy ý kiến nhân dân, mở nhiều chuyên mục trao đổi, thảo luận, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý", ông Quốc nhìn nhận.