1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hôm nay, bão Cimaron vào biển Đông

(Dân trí) - Hôm nay 30/10, bão Cimaron giật trên cấp 15 sẽ đi vào biển Đông nước ta. Theo đó, từ ngày 1/11, bão Cimaron sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh ven biển miền Trung và ngày 2/11 ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết đất liền khu vực này.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, đêm hôm qua (29/10), sau khi đổ bộ vào đảo Lu-dông(Philippines), bão Cimaron đã suy yếu đi một ít. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Như vậy, sáng và trưa nay bão sẽ đi vào biển Đông. 

 

Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía đông biển Đông từ sáng nay gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10; sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14. Biển động dữ dội. 

 

Hôm nay, bão Cimaron vào biển Đông - 1
Hướng di chuyển của bão Cimaron sáng 30/10 theo dự báo của TTKTTV Trung ương. 

 

Trong 24 đến 48 giờ tới bão có nhiều khả năng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km.

 

Hồi 1 giờ sáng nay (30/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 121,3 độ kinh đông ngay trên đảo Lu-dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 15. 

 

Theo nhận định, Cimaron là một cơn bão đạt cấp siêu mạnh, cấp 15-16 ( theo mạng JTWC của Hải quân Mỹ) và khi vào nước ta, bão Cimaron có khả năng đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Đà nẵng. Bởi khi vào Việt Nam, bão Cimaron kết hợp với đợt không khí lạnh đang được tăng cường ở phía bắc sẽ có có chiều di chuyển chủ yếu theo hướng tây, hoặc hơi lệch xuống giữa tây và tây tây nam, tiến về miền Trung. 

 

Hiền Linh

 

* Miền Trung chủ động phòng chống “siêu bão” Cimaron

 

Chưa hết bàng hoàng sau cơn bão số 6, miền Trung lại đang khẩn trương đón cơn bão số 7 với tinh thần vô cùng cảnh giác và "chuyên nghiệp".

 

Chèn chống nhà cửa

 

“Kinh nghiệm cho thấy, những mái nhà nào bằng tôn được đè bởi những bao cát trong cơn bão số 6 vừa rồi ít bị bay hay tốc mái” - vừa đưa tay đỡ bao cát đưa lên mái nhà, ông Nguyễn Đình Long, 57 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) vừa truyền “kinh nghiệm” - “Vì bao cát nặng, khi mưa nước ngấm lại càng nặng và bám rít lấy mái tôn nên không bay được”.

 

Dọc theo dãy nhà tập thể nơi ông Long ở không nhà nào bị bay mái trong cơn bão số 6 vừa rồi.

 

Từ sáng 29/10, nghe tin bão số 7 có khả năng đổ bộ vào miền Trung, anh Cường, khu tập thể giáo viên, là bộ đội công tác ở Quân khu V, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê đã xin đơn vị được nghỉ ở nhà lấy bao cát đè lên mái tôn để chống bão.

 

“Nghe đến bão là khiếp lắm rồi, không biết nó có mạnh như cơn bão số 6 và có đổ bộ vào Đà Nẵng hay không, nếu tiếp tục vào Đà Nẵng như cơn bão số 6 vừa rồi có lẽ thành phố này trở về “thời kỳ đồ đá” - anh Cường lo lắng.

 

Không áp dụng các biện pháp thô sơ để chống bão như anh Cường và bác Long, ông Hoàng Đình Anh, ở phường Thanh Khê Đông có điều kiện hơn nên sau khi bị cơn bão số 6 cuốn bay mái tôn căn nhà 80 m2, ông đã vay mượn anh em họ hàng và góp số tiền cứu trợ tổng cộng khoảng gần 100 triệu đồng để đổ “mê” (đổ mái bằng). “Làm như vậy cho yên tâm, không sợ bị bay mái nữa” - ông bình thản nói.

 

Kêu gọi tàu thuyền vào bờ

Theo trực ban tác chiến Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, ngày 29/10, sau khi có thông tin dự báo bão số 7 sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh này, lực lượng biên phòng tỉnh đã thông báo cho các đồn ven biển thông báo cho ngư dân về hướng di chuyển của bão và hướng dẫn, kêu gọi các phương tiện vào nơi trú ẩn cũng như tránh vùng ảnh hưởng của bão.

Đến chiều 29/10, trên 4.000 tàu, thuyền của Quảng Ngãi đã nhận được tín hiệu và vẫn an toàn.

 Theo Sài Gòn Giải Phóng