1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao bão Cimaron đổi hướng?

(Dân trí) - “Đó là do có sự xuất hiện một bộ phận không khí lạnh gió mùa đông bắc tràn xuống khu vực bắc biển Đông, mở ra một rãnh ở trên cao, nên bão có khả năng đi theo trục rãnh đó. Vì thế từ ngày 31/10 bão chuyển hướng lên phía bắc”. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết.

Thưa ông, phạm vi ảnh hưởng bởi sự chuyển hướng của bão hiện nay là những khu vực nào?  

Đó là toàn bộ vùng phía bắc biển Đông, bao gồm cả quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, cho đến vùng phía đông của đảo Hải Nam đều có gió mạnh cấp 6 trở lên. Do đó, các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên vùng này cần có phương án để chủ động đối phó và về nơi trú ẩn an toàn. 

Vậy trong 2-3 ngày tới bão sẽ di chuyển như thế nào, thưa ông? 

Dự báo trong 2-3 ngày tới, bão sẽ tiếp tục di chuyển chậm theo hướng tây bắc và tây tây bắc với tốc độ trên dưới 5km/h và nó sẽ hướng về phía đông đảo Hải Nam, sau đó bão cơn có thể sẽ giảm cường độ khi vào đất liền. Tuy nhiên, mức độ thay đổi cụ thể như thế nào, chúng tôi vẫn phải tiếp tục theo dõi. 

Hiện giờ chúng tôi chưa thể nói trước được bão có ảnh hưởng đến nước ta hay không, nhưng ít nhất trong vòng khoảng 2,3 ngày tới thì bão chưa có ảnh hưởng gì tới các vùng đất liền ven biển nước ta.  

Vì sao bão Cimaron đổi hướng? - 1
Đường đi của bão Cimaron theo dự báo chiều 1/11 của Trung tam KTTV Trung ương. 

Có nhiều ý kiến cho rằng: Khi đưa ra các bản tin dự báo, Trung tâm đã khá “dè dặt” và chỉ dự báo một cách tương đối trong vòng 48 tiếng, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân. Ông lý giải điều này như thế nào? 

Hiện tại, phương tiện kỹ thuật của chúng ta mới chỉ cho phép dự báo một cách tương đối trong vòng 48 tiếng, cùng lắm là 72 tiếng, sau 72 tiếng cần phải chờ đợi theo dõi tiếp tục. Làm nghiệp vụ, chúng tôi có tham khảo của tất cả các đài dự báo thế giới, ngoài ra tổng hợp các tình hình, mô hình dự báo và đưa ra quyết định dự báo.  

Tham khảo là việc bổ ích, nhưng dự báo của các nước trong khu vực và thế giới khá khác nhau. Ví dụ dự báo của hải quân Mỹ sáng qua cho là bão Cimaron vào Huế, đến trưa cho rằng vào bán đảo Lôi Châu, đến buổi chiều lại dự báo vào Hồng Kông, sáng sớm nay cho rằng bão vào đảo Hải Nam. Điều này không phải nói là dự báo của họ kém mà cho thấy dự báo bão là vô cùng phức tạp. 

Cimaron là một cơn bão có hướng di chuyển rất phức tạp nên chúng tôi phải dự báo 3 tiếng/lần, có thời kỳ bão thay đổi mạnh chúng tôi cho phát bản tin cập nhật 1 tiếng/lần. Nếu dự báo trong 72 giờ thì mức chính xác của dự báo sẽ thấp và khi đó người dân, tàu thuyền sẽ không thể có thông tin chính xác về hướng di chuyển của bão để phòng tránh. Do đó, trong những ngày tới người dân cần cập nhật thường xuyên hướng di chuyển của bão để phòng tránh cho mình. 

Thưa ông, bão số 6 và số 7 xảy ra liên tiếp với cường độ mạnh, có phải nguyên  nhân bắt nguồn từ hiện tượng El Nino hay không?  

Để minh chứng cho hiện tượng mạnh lên của bão có ảnh hưởng gì đến hiện tượng El Nino không thì chưa ai minh chứng điều đó, nhưng đối với Đại Tây Dương, các nhà khí tượng học đã tìm ra mối liên hệ này, cứ khi nào El Nino hoạt động thì cường độ bão mạnh hơn bình thường, còn Thái Bình Dương người ta chưa tìm thấy mỗi quan hệ chặt chẽ như vậy.  

Cho đến thời điểm này, khi mà bão Cimaron đã hoạt động được 6 ngày (từ trưa 27/10), ông có thể so sánh mức độ của cơn bão này với bão Xangsanne? 

Mỗi một cơn bão có đặc điểm riêng, không có cơn bão nào giống cơn bão nào. Bão số 6 hình thành ở vĩ độ thấp hơn, cường độ mạnh đều ở cấp 13, 14, di chuyển nhanh và hướng di chuyển thẳng, đơn giản. Bên cạnh đó, bão số 7 lại được hình thành ở vĩ độ cao hơn, nhưng cường độ hoạt động không đều. 

Ở giai đoạn đầu, bão số 7 mạnh tới cấp 16, sau đó vào biển Đông lại giảm còn cấp 13, 14. Tóm lại, cơn bão này di chuyển chậm, quỹ đạo di chuyển phức tạp. Tuy nhiên, khi vào biển Đông độ mạnh của 2 cơn bão này như nhau đều ở cấp 13, 14. 

Xuất hiện một vùng thấp trong bão Cimaron 

 

Hiện tại, ở phía namTrung Bộ và vùng biển phía đông, từ Bạc Liêu đến Phú Yên, toạ độ từ 9 đến 13 độ vĩ bắc và từ 109 đến 116 độ kinh đông, đang có một vùng thấp nằm trong vùng hoàn lưu của cơn bão số 7.

 

“Vùng áp thấp đã xuất hiện ở khu vực quần đảo Trường Sa từ mấy ngày hôm nay, đây chỉ là một vùng áp thấp chưa tạo thành một áp thấp nhiệt đới, bởi áp thấp nhiệt đới phải có cường độ gió từ cấp 6 trở lên mà vùng thấp này hiện chỉ mới có cường độ gió dưới cấp 6. Tuy nhiên, nếu xảy ra gió xoáy thì vùng trong áp thấp cũng rất nguy hiểm, nó sẽ tạo nên mưa rào và giông và có thể xuất hiện tố lốc trong một phạm vi nhất định. Vì thế tàu thuyền nhỏ hoạt động trong vùng biển đó cần phải lưu ý” - Ông Bùi Minh Tăng cảnh báo.

 

Trong Công điện khẩn chiều 1/11 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng nêu rõ: Cơn bão số 7 còn diễn biến phức tạp, đường đi đang chếch lên phía tây bắc và đi chậm lại nhưng cường độ vẫn mạnh, đặc biệt là cách bắc của bão.  

 

Do vậy, yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát và liên lạc đến các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ còn đang ở trong vùng nguy hiểm là khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa, và phía bắc đảo Hoàng Sa, để chủ động phòng tránh. 

 

Ngoài ra, các đơn vị nêu trên phải thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền, các gia đình có phương tiện hoạt động ở ngoài khơi, đặc biệt đang đánh bắt xa bờ biết Bộ Ngoại giao Việt Nam có công hàm gửi các nước trong khu vực và được các nước chấp thuận cho phép ngư dân của Việt Nam vào tránh bão số 7. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hiền Linh (ghi)