Bộ trưởng Văn hóa: Cố gắng làm phim nhà nước chất như "Đào, phở và piano"
(Dân trí) - Bộ trưởng cho rằng phim là của tư nhân, nhà nước một năm bố trí ngân sách không nhiều, chỉ khoảng 60-70 tỷ cho phim đặt hàng. Bộ sẽ cố gắng làm các bộ phim chất lượng như "Đào, phở và piano".
Chiều 5/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tư lệnh ngành Văn hóa trả lời các nhóm vấn đề:
+ Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao
+ Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm
+ Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Chia lửa" với ông Hùng có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng một số bộ ngành liên quan cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở Việt Nam còn hạn chế.
Chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152 của Chính phủ còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 7.020.000 đồng/tháng).
Theo ông, tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, ông Hùng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các vận động viên thể thao...
Về du lịch, báo cáo đánh giá công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tổng thu từ du lịch năm 2023 ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch. Tính đến hết tháng 4, tổng thu từ du lịch đạt 273.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm với trọng tâm là hoạt động du lịch đêm, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Song thực tế, ông thừa nhận vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm; sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế...
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Văn hóa cho biết tới đây sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch,
Cơ quan có thẩm quyền và các địa phương sẽ tập trung xây dựng quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm; phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo các hình thức tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt...
Ông Hùng cũng nhấn mạnh chủ trương khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế.