Hé lộ nguyên nhân chính các vụ lừa đảo quy mô lớn Bộ Công an đang điều tra
(Dân trí) - Theo Thượng tướng Lê Quốc Hùng, trong các vụ án lừa đảo quy mô lớn Bộ Công an đang điều tra, yếu tố lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân.
Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 46, sáng 5/6.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý đã tập trung quy định nghiêm cấm các hành vi phổ biến, nguy cơ cao.
Theo đó, dự thảo luật quy định nghiêm cấm hành vi xử lý dữ liệu cá nhân nhằm chống Nhà nước; cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật; thu thập, lưu trữ, tiết lộ, chuyển giao dữ liệu cá nhân trái pháp luật…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới (Ảnh: Hồng Phong).
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.
Về mức phạt hành chính, cơ quan thẩm tra cho rằng cần quy định mức phạt cao hơn để bảo đảm tính răn đe với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh nghiệp công nghệ có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.
Một số ý kiến lo ngại mức phạt được đề cập trong dự thảo luật “quá căng”, song giải trình nội dung này sau đó, Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, phần lớn hoạt động kinh tế - xã hội chuyển dịch lên không gian mạng, dữ liệu cá nhân của con người ngày càng đối mặt với nhiều nguy cơ xâm phạm nên phải ngăn chặn, xử lý vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Dữ liệu cá nhân gắn liền con người, quyền con người, quyền nhân thân và quyền riêng tư, nên không thể coi là hàng hóa, tài sản thông thường, theo Thứ trưởng Bộ Công an.

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an (Ảnh: Hồng Phong).
Ông nhấn mạnh đây là một loại tài sản đặc biệt, yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất, nghiêm ngặt nhất. “Nếu cho phép mua bán dữ liệu cá nhân thì đồng nghĩa với cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin cá nhân của người khác”, Thượng tướng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra bất cập khi nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay còn hạn chế; tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được thực hiện đầy đủ, tạo ra những vùng xám trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn mà Bộ đã triệt phá và đang điều tra, yếu tố lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính để hình thành nên những chợ đen về dữ liệu cá nhân. Đây là vấn đề rất phức tạp hiện nay, theo lời tướng Hùng.
Ông cho biết thêm, nguồn thu thập dữ liệu cá nhân trái phép có thể đến từ hoạt động tấn công chiếm đoạt, chuyển giao trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng công nghệ cao để “cào” dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích của các loại tội phạm.
Về việc xử lý vi phạm hành chính, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định do tính chất, hậu quả rất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, cần quy định mức phạt cao hơn để đảm bảo tính răn đe đối với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh nghiệp công nghệ cao có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.
“Nếu phạt quá nhẹ, các doanh nghiệp lớn, xuyên biên giới sẵn sàng vi phạm để chuyển giao dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, thu lợi nhuận khổng lồ”, Thượng tướng Lê Quốc Hùng nói.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 5/6 (Ảnh: Hồng Phong).
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Hùng cho biết nhiều quốc gia quy định mức phạt cao trong lĩnh vực này, như EU, Singapore, Indonesia quy định phạt theo phần trăm doanh thu. Mức phạt tiền tối đa dao động từ 4 tỷ đồng đến 584 tỷ đồng.
Vì thế, dự thảo luật lần này được điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân là 3 tỷ đồng; quy định mức phạt tiền tối đa là 5% doanh thu năm trước đó của tổ chức, doanh nghiệp với hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới.