Mô hình "thành phố trong thành phố" ở Hà Nội được trình Quốc hội thế nào?

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Có đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về mô hình chính quyền thành phố thuộc Thành phố trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi chưa rõ ràng, chưa thể hiện được các chính sách đặc thù của mô hình này.

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận trên nghị trường trong phiên làm việc chiều 28/5.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về chính quyền thành phố thuộc Thành phố (Điều 13, Điều 14), có ý kiến cho rằng quy định về mô hình chính quyền thành phố thuộc Thành phố trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, chưa luật hóa được nội dung xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô đã xác định tại Nghị quyết số 15 của Trung ương.

Quy định trong dự thảo cũng chưa thể hiện được các chính sách đặc thù nhằm phát huy vai trò của mô hình chính quyền thành phố thuộc Thành phố.

Mô hình thành phố trong thành phố ở Hà Nội được trình Quốc hội thế nào? - 1

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố thuộc thành phố ở Hà Nội là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung về thành phố thuộc Thành phố trong dự thảo Luật, để khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố thuộc Thành phố sẽ quyết định nội dung này.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ ý nghĩa của việc thành lập thành phố thuộc Thành phố và thành phố thuộc Thành phố có tương đương với chính quyền ở quận; nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc Thành phố có gì khác với chính quyền cấp huyện?

Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện pháp luật quy định, Chính phủ vẫn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Đây là đơn vị hành chính đô thị tương đương cấp huyện, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, cơ sở pháp lý để thành lập thành phố thuộc Thành phố đã đầy đủ.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nay trên địa bàn Hà Nội chưa có thành phố trực thuộc nào được thành lập, cũng chưa có đề án cụ thể về mô hình phát triển của các thành phố loại này.

Vì thế, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa có cơ sở để xác định về quy mô, định hướng, mục tiêu phát triển, làm căn cứ cho việc quy định cụ thể về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và các chính sách đặc thù cần thiết cho thành phố thuộc Thành phố trong dự thảo Luật.

Nội dung mà Chính phủ đã đề xuất trong dự thảo Luật trình Quốc hội cũng chưa thể hiện rõ tính đặc thù đáng kể nào.

Đặc biệt, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế nếu thành lập thành phố thuộc Thành phố vẫn có các cơ chế, quy định về phân cấp, ủy quyền để chính quyền tại thành phố thuộc Thành phố có thể thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn này.

Do đó, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không dành 2 điều riêng quy định về HĐND, UBND thành phố thuộc Thành phố mà kết hợp vào các quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, thị xã (Điều 11 và Điều 12), vì đều là các đơn vị hành chính đô thị cùng cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

"Các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố thuộc Thành phố sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thành lập thành phố thuộc Thành phố, bảo đảm thực hiện các yêu cầu đã đặt ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị", báo cáo giải trình nêu rõ.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều.

Dự án Luật Thủ đô sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.