Đề xuất Hà Nội được quyền phê duyệt dự án văn hóa, du lịch ở bãi sông

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng được đề xuất giao chính quyền Hà Nội đối với các dự án xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố.

Đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, được đề xuất trong dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận trên hội trường trong phiên làm việc chiều 28/5.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều).

Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội (sau đây gọi là thành phố) trên một số lĩnh vực.

Đề xuất Hà Nội được quyền phê duyệt dự án văn hóa, du lịch ở bãi sông - 1

Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng được đề xuất giao chính quyền Hà Nội đối với các dự án xây dựng công trình tại bãi sông (Ảnh minh họa: Hữu Nghị).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm rõ thêm về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô.

Khoản 2 Điều 17 của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp quy hoạch, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ.

Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 18 của dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung giao UBND thành phố thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều.

Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này. 

"Đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng về cho thành phố, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có, nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.

Cũng theo cơ quan giải trình, tiếp thu, có ý kiến đề nghị không phân quyền cho Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật vì trên địa bàn thành phố có trụ sở của nhiều cơ quan Trung ương, cần có sự quản lý, kiểm soát và điều phối của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích hiện nay, Quốc hội đang cho phép các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM và một số địa phương khác được thí điểm thực hiện thẩm quyền về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung khu chức năng theo các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Nội dung có thể được điều chỉnh cục bộ cũng đã được giới hạn cụ thể trong Luật Quy hoạch đô thị. Vì vậy, việc dự thảo Luật quy định phân quyền cho UBND Thành phố được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng như quy định tại khoản 3 Điều 17 là phù hợp và có cơ sở thực tiễn.

Việc giao HĐND thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch (khoản 3 Điều 17) là để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, phát triển thủ đô.

Theo nghị trình, dự án Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.